Đắk Nông: Phát triển công nghiệp nông thôn gắn với vùng nguyên liệu
Đặt cơ sở sản xuất ở tại vùng nguyên liệu
Huyện Đắk Mil được biết đến là vùng sầu riêng ngon nhất tỉnh Đắk Nông. Ngoài chất lượng, ở huyện Đắk Mil đã hình thành nên các vùng trồng sầu riêng quy mô lớn với nhiều nông dân có kinh nghiệm. Nắm bắt được những lợi thế này, ông Nguyễn Xuân Thọ đã đầu tư xây dựng cơ sở sầu riêng Thọ Minh ngay tại vùng nguyên liệu ở xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil).
Ông Thọ cho biết, việc chế biến sản phẩm sầu riêng tươi tại chỗ sẽ giúp giải quyết tốt nhiều vấn đề cho cơ sở như giảm chi phí vận chuyển về kho chế biến, sản phẩm sau thu hoạch sẽ được đưa vào chế biến ngay giúp chất lượng được bảo đảm, chủ động được nguyên liệu để phục vụ chế biến…
Chế biến trong vùng nguyên liệu sẽ giúp cơ sở chế biến chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất |
Hiện gia đình ông Thọ đã đầu tư 7 tỷ đồng để xây dựng 7 kho đông lạnh, với sức chứa khoảng 180 tấn sầu riêng tách vỏ. Toàn bộ sản phẩm sau chế biến của cơ sở được phục vụ thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, giá trị trái sầu riêng của người dân trong vùng tăng lên gấp 2 - 3 lần so với bán trái tươi như trước đây. Mỗi năm cơ sở xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần 3.000 tấn sầu riêng các loại.
Sau khi tập hợp những người cùng sản xuất mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức để hình thành vùng nguyên liệu. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức) đã đầu tư máy móc, thiết bị như: máy xay vỏ xanh, máy sấy, máy hút chân không, máy đóng gói, in mác... để chế biến mắc ca thành sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường. Ngoài thị trường trong nước, HTX đang cung ứng sản phẩm mắc ca rang sấy sang Campuchia. Hiện sản phẩm đã được gửi đi các nước Châu Âu và được thị trường này đón nhận và đặt hàng.
Tuy nhiên, lượng sản phẩm của HTX sản xuất chưa đủ số lượng để ký kết hợp đồng. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX cho biết, đặt cơ sở chế biến ngay trong vùng nguyên liệu mắc ca đã giúp HTX thu mua nguyên liệu dễ dàng từ người dân mà không phải qua các đại lý trung gian. Chất lượng nguyên liệu được tuyển lựa kỹ càng, nhờ đó, giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi bán ra thị trường.
HTX Nông nghiệp Long Việt, chế biến mắc ca trong vùng nguyên liệu |
Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
Những năm qua, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã triển khai các chương trình hỗ trợ, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn theo từng giai đoạn, từng năm. Nhiều nội dung hỗ trợ đã được triển khai như: đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến. Các cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được ưu tiên xét hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguồn kinh phí khuyến công. Đến nay, tỉnh Đắk Nông có 27 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí khuyến công để phát triển sản phẩm.
Bên cạnh đó, được hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia, địa phương, tham gia các chương trình kết nối giao thương, mở rộng thị trường, nhiều sản phẩm được hỗ trợ kết nối hướng đến xuất khẩu.
Đầu tư chế biến sẽ góp phần phát triển bền vững cho vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ở nông thôn. |
Ngành Công Thương tỉnh Đắk Nông đang thực hiện việc gắn kết chế biến với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Trong đó, ngành chú trọng thu hút phát triển công nghiệp chế biến tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, có tiềm năng để trở thành động lực tăng trưởng.