Anh thanh niên vùng biên Đắk Lắk làm giàu từ ốc nhồi Đắk Lắk: Phiên chợ hàng Việt về với người tiêu dùng huyện biên giới |
Huyện Buôn Đôn là một huyện miền núi, biên giới chiến lược của tỉnh Đắk Lắk với đường biên giới dài khoảng 45km chung với Vương quốc Campuchia, có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 47%.
Theo đánh giá của các cấp chính quyền, phong trào khởi nghiệp tại huyện biên giới Buôn Đôn thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình khởi nghiệp được đánh giá cao, góp phần thay đổi đời sống kinh tế các thanh niên địa phương. Trong phong trào lập thân lập nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Buôn Đôn không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhau cùng khởi nghiệp và phát triển.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Quang Trung - Bí thư Huyện đoàn Buôn Đôn để tìm hiểu về hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nơi đây.
Ông Nguyễn Quang Trung - Bí thư Huyện đoàn Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk |
Thưa ông, phong trào khởi nghiệp tại địa phương thời gian qua đã phát triển như thế nào?
Trong thời gian qua, phong trào khởi nghiệp tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của thanh niên về tinh thần khởi nghiệp được nâng lên, trước đây chỉ là những cá nhân, tổ nhóm nhỏ lẻ thì nay đã tạo nên cộng đồng khởi nghiệp, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ khởi nghiệp của thanh niên đã để lại dấu ấn như tổ thanh niên nuôi ốc nhồi; tổ thanh niên trồng ớt, tổ thanh niên nuôi dê, câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo huyện Buôn Đôn, đội nhạc cụ Lào... nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn trình bày các ý tưởng khởi nghiệp của mình, tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp huyện với 18 đề án, 8 đề án tham gia cấp tỉnh...
Song song với việc phát triển các mô hình trong thanh niên, huyện đoàn còn định hướng các sản phẩm của thanh niên theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt các tiêu chuẩn OCOP. Trong năm 2022, huyện đoàn đã định hướng, hỗ trợ thành công 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Cùng với đó, Ban thường vụ huyện đoàn đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn rà soát, hỗ trợ thanh niên tại địa phương tiếp cận các thông tin, nguồn vốn để phát triển kinh tế như vốn khởi nghiệp, vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, riêng trong năm 2022 đã giải ngân 90 triệu đồng cho 4 đề án khởi nghiệp của thanh niên. Ngoài ra, Ban thường vụ huyện đoàn còn kết nối với Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ mô hình trồng ớt sạch trị giá 41 triệu đồng, hỗ trợ giống ốc, ớt giống, bò sinh sản cho thanh niên khó khăn.
Vào tháng 10/2021, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện đã ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp, sáng tạo huyện Buôn Đôn nhằm giúp các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp trên địa bàn huyện có sân chơi và trao đổi kiến thức về khởi nghiệp.
Câu lạc bộ là nơi tập hợp các bạn trẻ có khát vọng, mong muốn khởi nghiệp, là sân chơi chung cho các bạn muốn lập thân lập nghiệp tại địa phương. Từ ngày ra mắt câu lạc bộ, các thành viên câu lạc bộ đã được tham gia các buổi giao lưu cà phê khởi nghiệp, tham gia các diễn đàn khởi nghiệp do huyện, tỉnh tổ chức. Ngoài ra các thành viên câu lạc bộ còn được đào tạo, hướng dẫn các quy trình thủ tục pháp lý để hoàn thiện sản phẩm cũng như quy mô xưởng sản xuất; hướng dẫn bán hàng, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Cùng với thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp, để phát huy sức trẻ và tinh thần dám nghĩ, dám làm của đoàn viên, thanh niên, thời gian qua, các tổ chức đoàn, hội ở huyện đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, như: tổ chức các lớp tập huấn, các buổi diễn đàn về khởi nghiệp. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho thanh niên vay vốn, giải ngân quỹ hỗ trợ khởi nghiệp… với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng giúp thanh niên thực hiện các đề án phát triển kinh tế.
Hoạt động khởi nghiệp huyện biên giới Buôn Đôn thời gian qua đã diễn ra sôi nổi, nhiều mô hình được đánh giá cao, giúp thanh niên gây dựng kinh tế |
Huyện Buôn Đôn đã có những kế hoạch gì để xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, thưa ông?
Xác định việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên là một khâu quan trọng trong việc hỗ trợ thanh niên sản xuất. Vì vậy trong thời gian qua Ban thường vụ huyện đoàn đã tổ chức các diễn đàn kết nối để giúp thanh niên có cơ hội gặp gỡ các đối tác thu mua sản phẩm, huyện đoàn cũng hỗ trợ các bạn có cơ hội trưng bày các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp của huyện và tỉnh. Bên cạnh đó huyện đoàn còn chủ động quảng bá các sản phẩm của thanh niên tại các trang mạng xã hội của đoàn – hội, các hội nghị do tổ chức đoàn đảm nhận.
Về công tác xúc tiến thương mại, trên cơ sở quan tâm hỗ trợ của ngành Công Thương và các ngành có liên quan; Ban thường vụ huyện đoàn đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện tạo điều kiện cho các thanh niên có sản phẩm được đi trưng bày tại các gian hàng xúc tiến thương mại, được tiếp cận các nguồn hỗ trợ sản xuất, tem nhãn, QR-code và chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu...
Trong thời gian tới, huyện Buôn Đôn sẽ có kế hoạch gì nhằm tiếp tục lan tỏa phong trào lập thân lập nghiệp, nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên, thưa ông?
Phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, thời gian tới, Ban thường vụ huyện đoàn sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện uỷ, UBND huyện các chủ trương, chính sách để kịp thời hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương.
Huyện đoàn sẽ tích cực tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ giữa thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo chính quyền địa phương để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn. Rà soát các đề án khả thi để giải ngân các nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp; tích cực quảng bá các sản phẩm của thanh niên, nhất là các sản phẩm OCOP hoặc chuẩn bị tham gia OCOP tại địa phương ra ngoài huyện. Chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn quan tâm, hỗ trợ tốt hơn nữa cho thanh niên trong lập thân, lập nghiệp.
Xin cảm ơn ông!