Thứ ba 06/05/2025 20:32

Đại diện 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Vesak 2025

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 6 - 8/5, với hơn 2.700 đại biểu, trong đó có 1.300 khách quốc tế từ 85 quốc gia, lãnh thổ.

Lan tỏa thông điệp từ bi, trí tuệ và hòa bình

Sáng 6/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 chính thức khai mạc trong không khí trang nghiêm và trọng thể. Sự kiện do Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.

Chủ tịch nước Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng.

Chủ tịch nước Lương Cường cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2025, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP. Hồ Chí Minh.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tổ chức Vesak 2025, cùng chư tôn đức giáo phẩm tham dự.

Khách mời quốc tế gồm Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka, Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) Hòa thượng Brahmapundit, đại sứ, đại biện một số nước và hơn 2.700 đại biểu, trong đó có khoảng 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo nên không khí đoàn kết, giao lưu văn hóa - tôn giáo sâu sắc.

Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự đại lễ. Ảnh: Việt Dũng.

Với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Đại lễ Vesak 2025 quy tụ nhiều Tăng thống, Pháp chủ, lãnh đạo các tổ chức Phật giáo, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đây là dịp để cùng nhau lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của đạo Phật, đồng thời tăng cường gắn kết cộng đồng Phật giáo thế giới trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

Đại lễ Vesak năm nay được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), khẳng định hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống tôn giáo, nơi các giá trị tâm linh được trân trọng, bảo vệ. Sự kiện là minh chứng sinh động cho chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đồng thời phản ánh đời sống tôn giáo phong phú, hòa hợp tại Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Vesak 2025 tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Ngày càng hội nhập sâu rộng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ phát huy vai trò trong nước mà còn tích cực đóng góp vào định hướng các hoạt động quốc tế, xiển dương giáo lý Đức Phật vì hòa bình, từ bi và phụng sự nhân sinh.

Đại biểu dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Ảnh: Việt Dũng.

Đại lễ còn có nhiều nội dung phong phú như hội thảo khoa học bằng tiếng Anh và tiếng Việt, các hoạt động văn hóa, xã hội đặc sắc, giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về truyền thống Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc suốt hơn 2.000 năm.

Sự kiện năm nay còn mang dấu ấn đặc biệt khi lần đầu tiên xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự (Quận 10, TP. Hồ Chí Minh), để cộng đồng chiêm bái. Xá lợi thiêng liêng này là biểu tượng bất diệt của tinh thần vị tha, sự hy sinh vì công lý và khát vọng hòa bình, thể hiện vai trò đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hơn 2.000 năm lịch sử.

Trước đó, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019, với quy mô quốc tế ngày càng lớn và chất lượng chuyên môn ngày càng được đánh giá cao.

Vesak 2025 lan tỏa tinh thần hòa bình - đoàn kết và phát triển bền vững

Phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2025, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ niềm vinh dự được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo toàn cầu và đông đảo đại biểu, đồng bào, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch nước, sự hiện diện của quý vị chính là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp, những giá trị cốt lõi mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 20 - Vesak 2025. Ảnh: Giang Thanh.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Vesak ngày kỷ niệm ba dấu mốc trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn, không chỉ có ý nghĩa với hàng triệu Phật tử trên thế giới mà còn lan tỏa những thông điệp cao đẹp về trí tuệ, từ bi và hòa bình đến với toàn nhân loại. Tại Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bảo phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Chủ tịch nước cho rằng, đây là một thông điệp sâu sắc và thời sự trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.

Việc Vesak 2025 diễn ra trong dịp Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh càng làm tăng thêm chiều sâu ý nghĩa cho sự kiện.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng.

Đề cập vai trò của Phật giáo trong đời sống dân tộc, Chủ tịch nước khẳng định, hơn 2.000 năm qua, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử. Tinh thần “hộ quốc an dân”, lòng yêu nước, tính khoan dung, ý thức hướng thiện… đã góp phần hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp nối truyền thống đó qua nhiều hoạt động cụ thể: từ thiện xã hội, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo phát triển trong khuôn khổ pháp luật và đóng góp vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước ghi nhận vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cầu nối đưa Phật giáo gắn bó với đời sống xã hội, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế.

Nhìn ra thế giới, Chủ tịch nước kêu gọi tăng cường đoàn kết, tôn trọng, hợp tác và cùng hành động để vượt qua những thách thức toàn cầu như chiến tranh, đói nghèo, bất bình đẳng và khủng hoảng môi trường. Chủ đề Vesak 2025 phản ánh rõ khát vọng và tầm nhìn thời đại, khi kết nối tinh thần Phật giáo với các sáng kiến toàn cầu, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

“Việc Đại lễ Vesak năm nay được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngay sau lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, càng làm nổi bật thông điệp hòa bình, hòa hợp và đoàn kết. Đây là biểu tượng sống động của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt, gác lại quá khứ để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp, thịnh vượng”, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị, cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần Vô ngã - Vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.
Thanh Minh
Bài viết cùng chủ đề: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4: Kinh tế giữ vững đà tăng trưởng

Đại biểu Trần Khánh Thu: Không nên nhìn nhận học thêm chỉ từ góc độ tiêu cực

'Giữ chân' giáo viên vùng khó: Không thể 'cào bằng' thiệt thòi cho tất cả

Doanh nghiệp lớn từ Mỹ, EU tăng đầu tư tại Việt Nam

Giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục, vì sao?

Thủ tướng 'giao KPI' mỗi Bộ, ngành, địa phương phấn đấu có 2 công trình chào mừng 2/9

Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tăng hiệu lực, thống nhất trong quản lý

Doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025

Sửa đổi Hiến pháp: Bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng

Từ 6/5/2025, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam kiểm tra, chỉ đạo an ninh Đại lễ Vesak 2025

Tạo cơ chế linh hoạt triển khai nhà máy điện hạt nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hành trình trọn đời vì dân tộc

Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Việt Nam tuân thủ Luật Biển để phát triển kinh tế biển bền vững

Chủ tịch nước: Việt Nam - Sri Lanka phấn đấu kim ngạch song phương đạt 1 tỷ USD

Dự kiến địa phương nào giảm cấp xã, phường nhiều nhất?

Chú trọng việc sắp xếp các tổ chức vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân