Chiều 29/7, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 19, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều đại biểu HĐND thành phố đề cập.
Đại biểu Lương Công Tuấn cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đà Nẵng có mức hỗ trợ thấp hơn so với Trung ương nên doanh nghiệp không mặn mà |
Theo đạị biểu Lương Công Tuấn “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng chính là thước đo của nền kinh tế, bởi vậy việc hỗ trợ doanh nghiệp góp phần vào việc phục hồi, phát triển nền kinh tế. Vì vậy ,các chính sách hỗ trợ đề xuất cần làm “đủ mạnh” để tạo điều kiện cho đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng. Nhưng tại TP. Đà Nẵng, nhiều chính sách hỗ trợ có mức hỗ trợ thấp hơn của Trung ương nên doanh nghiệp chưa “mặn mà” như chính sách xúc tiến thương mại theo Quyết định 13/2016/QĐ-UBND, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo Nghị quyết 18/2016/NQ-HĐND,…đang thấp hơn Trung ương cho phép.
Theo đại biểu Lê Hồng Cương, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền mặc dù đã có sự quan tâm thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục; chưa có cơ quan làm đầu mối xâu chuỗi các chính sách. Nhiều chính sách còn nằm rời rạc, chưa được kết nối một cách tổng thể. Còn có một số chính sách hỗ trợ còn trùng lặp giữa Trung ương và địa phương. Các quy định về hồ sơ, thủ tục rườm rà, điều kiện để thụ hưởng chính sách còn khắt khe và có nhiều bất cập; một số hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng gây tâm lý e dè cho doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách. Việc cân đối bố trí ngân sách để thực hiện chính sách vẫn còn khiêm tốn, không nhiều, giá trị hỗ trợ còn nhỏ nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia.
Bà Phan Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng thông tin kết quả giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố |
Thông tin về kết quả giám sát chuyên đề các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng, bà Phan Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của UBND thành phố hiện trên địa bàn thành phố có hơn 40.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 257.000 tỷ đồng, đóng góp cho tổng thu nội địa bàn thành phố khoảng 76%. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã và đang triển khai 38 văn bản gồm 7 nhóm chính sách do trung ương ban hành và 18 văn bản gồm 12 chính sách do địa phương ban hàng. Đến nay đã có 27 văn bản hết hiệu lực; 29 văn bản tiếp tục thực hiện.
Theo bà Phan Thị Tuyết Nhung, qua giám sát, các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua đã giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng thêm động lực sức đề kháng để doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm và phát triển kinh tế thành phố.
Công tác tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng rộng rãi, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ doanh nghiệp hơn 12.000 tỷ đồng từ nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau |
Đối với các chính sách của Trung ương, từ năm 2021 đến nay, TP. Đà Nẵng đã miễn giảm, gia hạn cho người nộp thuế hơn 11.700 tỷ đồng. Trong đó, miễn giảm là 7.900 tỷ đồng và gia hạn 5.800 tỷ đồng, các chính sách tín dụng như gia hạn nợ cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất cũng được quan tâm.
Đối với các chính sách đặc thù của thành phố, từ năm 2021 đến nay, TP. Đà Nẵng đã thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp với tổng số tiền 320 tỷ đồng. “Thông qua các chính sách này đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn, tạo động lực duy trì, giúp doanh nghiệp vượt khó, mở rộng sản xuất kinh doanh, một số chính sách đã khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo sự tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn”, bà Phan Thị Tuyết Nhung nói.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Gần như các doanh nghiệp chỉ tiếp cận chính sách theo góc độ từng ngành chứ chưa tiếp cận chính sách tổng thể.
Phần lớn doanh nghiệp Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng chưa xây dựng được chính sách tổng thể áp dụng cho đối tượng doanh nghiệp này. Một số chính sách chưa phù hợp thực tiễn, một số nội dung hỗ trợ không còn phù hợp với quy định mới của Trung ương, số lượng doanh nghiệp tiếp cận chính sách còn chưa được như kỳ vọng… Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các vấn đề như thủ tục hành chính, vấn đề đất đai, vốn… nhiều hơn là tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Nhiều đại biểu HĐND Đà Nẵng cho rằng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp của TP. Đà Nẵng còn thấp |
Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng kiến nghị HĐND, UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành khắc phục những hạn chế để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, kiến nghị HĐND thành phố xem xét, rà soát bất cập các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, xem xét bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất và tăng cường giám sát triển khai.
Đề nghị UBND thành phố rà soát các vướng mắc, bất cập thuộc thẩm quyền các Bộ, ngành Trung ương để kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết; khẩn trương có kế hoạch cụ thể sớm triển khai Nghị quyết 136; tiếp tục điều chỉnh những chính sách đặc thù của thành phố không còn phù hợp; tiếp tục cải cách hành chính; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số; chỉ đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư làm đầu mối xâu chuỗi theo dõi việc triển khai chính sách trên địa bàn; phát huy vai trò các Hội, hiệp hội…