Đã đủ 500.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng và công nghệ số
Chiều 24/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Đào Minh Tú bày tỏ, đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số.
Ngành ngân hàng bắt đầu triển khai giải ngân gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số. |
Hiện nay, đầu tư cho các dự án trọng điểm bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau, như ngân sách, vốn FDI… Nhưng trong đó, tín dụng ngân hàng vẫn là một nguồn vốn quan trọng. Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đây là bài toán khó trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn còn gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như không đáp ứng điều kiện vay vốn…
Đối với gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, ông Đào Minh Tú cho hay, với các ngân hàng đã cam kết tham gia cơ bản chuẩn bị đủ nguồn vốn và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về việc cho vay trung, dài hạn.
"Ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng", Phó Thống đốc khẳng định. Tuy nhiên, để gói tín dụng này đi vào cuộc sống hiệu quả thì cần một số điều kiện để ngành ngân hàng chủ động hơn trong thu xếp nguồn vốn, đó là: Các bộ, ngành cần có kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng…
Đối với những vấn đề khó khăn còn tồn tại trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, điện… và những dự án trọng điểm khác, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng tồn tại này cần được giải quyết với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành.