Chủ nhật 24/11/2024 16:20

Cuộc chiến giá rẻ: Công nghệ thay đổi cục diện Ukraine và Trung Đông

Cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông đang chứng kiến sự trỗi dậy của công nghệ giá rẻ, những loại vũ khí không đắt tiền nhưng lại có sức mạnh đáng kinh ngạc.

Tờ Le Figaro của Pháp, mới đây đăng bài phân tích về sự xuất hiện của các loại vũ khí giá rẻ nhưng được sản xuất với số lượng lớn đang buộc các bộ máy quân sự phải tái cấu trúc để thích ứng. Đây là một thay đổi tất yếu trong bối cảnh các cuộc xung đột đang ngày càng gia tăng.

Ông Olivier Schmitt - giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chiến tranh và tác giả của cuốn sách “Chuẩn bị cho chiến tranh” - chia sẻ: “Các công nghệ phát triển cho mục đích dân sự đang được sử dụng cho mục đích quân sự. Ví dụ, các phiến quân Syria năm 2011 đã sử dụng con quay hồi chuyển của một chiếc iPad kết hợp với phần mềm Google Maps và lắp ráp với súng cối từ những năm 70, tạo nên một vũ khí tấn công chính xác với chi phí thấp hơn tới 500 lần so với pháo thông thường”.

Theo các nguồn tin quân sự, Ukraine đã gắn camera GoPro vào một xuồng máy với các thùng phi chứa đầy thuốc nổ và thế là một tàu không người lái có thể tấn công tàu chiến của Nga. Những sáng tạo này đang tạo ra thách thức lớn đối với các hệ thống vũ khí tinh vi, đắt đỏ và có số lượng hạn chế.

Chiến trường không còn như xưa

Phương thức tác chiến đã thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của công nghệ “lưỡng dụng” - công nghệ ứng dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. UAV là ví dụ điển hình nhất của loại công nghệ này. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné tại Trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cho biết: “Cuộc chiến năm 2020 giữa Azerbaijan và vùng Thượng Karabakh cho thấy có thể hình dung một cuộc xung đột thông thường ở cường độ cao, nơi các UAV đóng vai trò quan trọng hơn nhiều”.

Công nghệ giá rẻ đang thay đổi cục diện chiến trường ở Ukraine và Trung Đông. Ảnh: RIA

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã khiến các bên phải đánh giá lại vai trò của thiết bị bay không người lái trong chiến tranh hiện đại.

Cường độ chiến đấu và mức độ thiệt hại là những tiêu chí đầu tiên cho phép nhanh chóng phân loại các loại thiết bị bay không người lái phù hợp cho một cuộc xung đột cường độ cao và những loại quá mỏng manh: các máy bay không người lái quan sát chiến thuật cỡ lớn nhanh chóng rời khỏi chiến trường, nhường chỗ cho các thiết bị nhỏ hơn, thường có xuất xứ từ thị trường dân sự và được điều chỉnh tại chỗ để phục vụ nhiệm vụ quan sát cũng như tấn công ở cấp độ chiến thuật ngày càng nhỏ hơn. Những thiết bị bay này có hai lợi thế chính: Chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận”, ông Léo Péria-Peigné cho biết thêm.

Một nguồn tin quân sự khác nhận xét: “UAV giá rẻ đã trở thành công cụ chính trên chiến trường và hoạt động hiệu quả ở hậu phương, giúp tạo ra hiệu ứng tấn công diện rộng, rất có ích trong một cuộc chiến tiêu hao, nhưng nó cũng cần nhiều nhân lực, 40% các lữ đoàn Ukraine được chuyên môn hóa trong việc sử dụng UAV”.

Tuy nhiên, UAV không thể mang tải trọng lớn và cũng khó đạt độ chính xác cao, thay vào đó, chúng cho phép tạo áp lực lên hệ thống phòng không của đối phương, buộc họ phải triển khai cảm biến tại nhiều vị trí để phát hiện các thiết bị bay này.

Theo đó, từ năm 2010, Israel đã triển khai hệ thống “Vòm sắt” nhằm đánh chặn các tên lửa trong phạm vi từ 4-70 km, nhưng hệ thống này đã bị chỉ trích nhiều về sự chênh lệch chi phí: một tên lửa chỉ tốn khoảng 1.000 Euro, trong khi một tên lửa đánh chặn tiêu tốn tới 50.000 USD.

Ông Élie Tenenbaum - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện quan hệ quốc tế Pháp - đánh giá: “Hệ thống phòng không ở phương Tây rất tinh vi, được thiết kế để ngăn chặn các tên lửa hiện đại và hiếm có. Phân khúc công nghệ giá rẻ lại chưa được chú trọng”.

Thực tế, quân đội phương Tây chưa chuẩn bị tốt để đối phó với những mối đe dọa “giá rẻ” này. Các mô hình tác chiến của họ chủ yếu dựa vào những chiến dịch ngắn hạn - như Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất - hoặc các cuộc viễn chinh quy mô nhỏ - như hoạt động của Pháp tại Mali - nơi đối thủ không sở hữu công nghệ cao.

Vũ khí mới, chiến lược cũ: Các bộ máy quân sự chật vật thích nghi

Việc tiếp cận công nghệ chiến đấu giá rẻ đang đặt ra nhiều thách thức cho khả năng thích ứng của các bộ máy quân sự hiện có. Để đối phó, Israel đã phát triển hệ thống “Vòm sắt”, trong khi Nga đầu tư vào công nghệ gây nhiễu.

Ông Olivier Schmitt cho rằng: “Mô hình quân sự phương Tây dựa trên việc nhanh chóng đạt được ưu thế trên chiến trường và một giải pháp chính trị phát sinh từ sự thay đổi tương quan lực lượng này. Việc giảm chi phí công nghệ đặt ra câu hỏi về chiến thắng, đây là một vấn đề vừa mang tính học thuyết và vừa mang tính trí tuệ, nhưng công việc này chưa được hoàn tất”. Cách tiếp cận này đang gặp thách thức do thời gian xung đột kéo dài như ở Ukraine và khả năng các nhóm vũ trang có thể làm thay đổi tương quan lực lượng.

Quân đội của các quốc gia châu Âu đã liên tục thu nhỏ quy mô kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, buộc họ phải tập trung vào một số khả năng nhất định.

Các nước phương Tây đã đầu tư vào những công nghệ quân sự rất tiên tiến nhưng ngày càng đắt đỏ hơn. Năm 1984, Norman Augustine, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã dự đoán chi phí trang bị sẽ tăng nhanh hơn ngân sách, dẫn đến số lượng vũ khí giảm và kho dự trữ ngày càng ít đi.

Việc chuyển đổi một bộ máy quân sự tất yếu là một quá trình dài. Xung đột ở Ukraine làm thay đổi cách đánh giá về các mối đe dọa và cách thức ứng phó với chúng. Sự nổi lên mạnh mẽ của các nhóm vũ trang như Houthi, Hamas và Hezbollah cũng vậy.

Tuy nhiên, Élie Tenenbaum lưu ý, điều này chỉ ảnh hưởng đến một số nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ. Ông cho biết: “Việc triển khai một cách tiếp cận mới về năng lực có thể là giải pháp. Chẳng hạn, thiết kế các phương tiện đánh chặn UAV không đắt đỏ sẽ giảm chi phí và tăng cường khả năng phòng vệ. Mỹ và Anh đã phá hủy các bệ phóng và kho đạn của Houthi”.

Việc tích hợp các loại vũ khí ít tốn kém nhưng có số lượng lớn với các vũ khí tinh vi có thể được xem xét. “Cần phải tìm ra các chiến thuật quân sự mới để cầm cự trong cuộc xung đột và điều chỉnh bộ máy công nghiệp cho phù hợp”, chuyên gia Olivier Schmitt nhận định.

Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ không phải là yếu tố duy nhất làm thay đổi chiến trường. Các vũ khí thông thường như pháo hoặc xe tăng “giá rẻ”, có thể tham gia làm thay đổi chiến trường bằng tác động từ số lượng lớn của chúng. Ví dụ, Nga đã gửi các xe tăng T-62 cũ đến Ukraine và sử dụng các loại đạn từ thời Liên Xô.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Nga

Tin cùng chuyên mục

Chiến sự Nga-Ukraine 24/11/2024: Xung đột ở Ukraine không còn mang tính khu vực; thông tin mới nhất về tình hình Kursk

Trí tuệ nhân tạo AI được cho thử nghiệm tác chiến không quân

Việt Nam - Ấn Độ nâng cao khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 23/11/2024: Xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định; NATO-Ukraine tổ chức họp khẩn

EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 23/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng; Mỹ gửi loại mìn cấm cho Ukraine

Toàn cảnh thế giới 22/11: Nga hé lộ bí mật tên lửa siêu thanh; Israel nã pháo vào Beirut

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

Chiến sự Nga-Ukraine tối 22/11: Nga tấn công ồ ạt vào Kurakhove; Ông Zelensky có động thái mới về Crimea

Hungary kêu gọi phương Tây nghiêm túc xem xét vụ phóng tên lửa Oreshnik của Nga

Phòng không Nga bắn hạ hai tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 22/11: Hứng ‘mưa tên lửa’ siêu thanh, Ukraine kêu gọi ứng phó ‘khẩn cấp’

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/11/2024: Ukraine có phải là mục tiêu thực sự của tên lửa siêu thanh Oreshnik?

Chiến sự Nga-Ukraine 22/11/2024: Ông Putin gửi tín hiệu tới phương Tây; Nga đạt tiến bộ đáng kể ở Donbass và Novorossiya

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng ở Kursk;tên lửa Storm Shadow tấn công sở chỉ huy Nga

Điện Kremlin cảnh báo xung đột 'leo thang' sau vụ phóng tên lửa Storm Shadow từ Ukraine

Toàn cảnh thế giới 21/11: Ukraine sử dụng vũ khí 'hết hạn'?; Hamas từ chối trao đổi con tin với Israel

Hợp tác quốc phòng Trung Quốc - ASEAN ngày càng thực chất, hiệu quả