Cung ứng sản phẩm cho ngành công nghiệp chế tạo: Liên kết là tất yếu
Tại Hội thảo "Phát triển liên kết giữa DN Việt Nam và các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản tổ chức gần đây, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - chỉ ra: Cạnh tranh về giá đang là vấn đề căng thẳng và khó, sản phẩm của DN Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20% so với các nhà cung cấp khác.
"Thực tế khi vào Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia hoặc mang theo, hoặc đã có nhà cung ứng trên toàn cầu. Những nhà cung ứng này có kinh nghiệm, đã khấu hao thiết bị máy móc và có mạng lưới sản xuất tiên tiến với chi phí thấp, sản lượng lớn. Trong khi đó, DN nội địa quản trị yếu, sản xuất chưa tinh gọn dẫn tới khả năng cạnh tranh về giá là rất thấp" - bà Bình nói.
Nâng cao năng lực để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu |
Số liệu khảo sát của VASI năm 2021 cho thấy, chỉ có khoảng 300 DN nội đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, phân bố chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Chỉ rõ hạn chế của các nhà cung cấp Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh và đối ngoại (Công ty Toyota Motor Vietnam) - cho hay: Việt Nam đang yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ... những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện tăng cao. Hiện, ngành công nghiệp điện tử nhập khẩu tới gần 90% linh kiện. Các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô phải nhập khẩu hơn 70% linh kiện, mua tại Việt Nam khoảng 10%...
Để trở thành nhà cung cấp cho tập đoàn đa quốc gia, ngoài vấn đề giá, DN trong nước còn đối mặt với những khó khăn về nâng cao năng lực để giảm chi phí và tiến lên bước cao hơn trong chuỗi cung ứng, khó tăng quy mô sản xuất, chi phí mặt bằng sản xuất cao và thiếu các công đoạn gia công để có cụm linh kiện hoàn chỉnh. Về phía các tập đoàn đa quốc gia, không có kế hoạch nội địa hóa rõ ràng, dung lượng thị trường còn nhỏ, không ổn định nên không đủ động lực để tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa…
Chính sách cho phát triển công nghiệp chế tạo chưa được quan tâm như hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách còn chậm, thậm chí, có những chính sách hầu như chưa có cơ quan hay địa phương nào thực hiện.
Do vậy, "sớm đưa chính sách vào cuộc sống là điều DN mong muốn để thuận lợi trong đầu tư cho sản xuất" - đại diện VASI nói. Bà Bình cũng đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả liên kết giữa DN Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam.
Trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao năng lực của các DN nhỏ và vừa để đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu; ưu tiên, khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, R&D... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa DN công nghiệp chế tạo Việt Nam với Công ty FDI; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị...
Sớm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ là điều kiện cần thiết cho DN Việt Nam có nền tảng, điều kiện đầu tư, hoàn thiện sản xuất, trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn công nghiệp chế tạo đa quốc gia. |