Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng
Theo Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, trong năm 2024, ứớc tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), giá so sánh 2010, trên toàn tỉnh đạt 78.259,75 tỷ đồng, tăng 7,50% so với năm trước.
Tổng thu ngân sách năm 2024 ước tính đạt 16.977 tỷ đồng, tăng 16,69% so với năm trước. Tổng chi ngân sách năm 2024 ước tính trên 19.266 tỷ đồng.
Theo đánh giá, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 tiếp tục ổn định và có tăng trưởng khá. Tình hình sản xuất có xu hướng thuận lợi hơn so với dự báo và đạt mức tăng trưởng khá cao nhờ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: sản xuất giày da - may mặc, chế biến thuỷ sản, khai thác đá, chế biến thực phẩm...
![]() |
Chế biến thủy sản, thực phẩm vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Kiên Giang. Ảnh minh họa |
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất được Trung ương, Chính phủ ban hành giúp doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất; các doanh nghiệp tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường, chủ động nắm bắt và triển khai kịp thời các hợp đồng cung ứng, lượng đơn đặt hàng được duy trì và dần tăng, nhất là mặt hàng giày da, may mặc.
Hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp tiếp tục ổn định. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc (giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010, tăng trên 13% so cùng kỳ), góp phần vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp nói riêng và của kinh tế tỉnh nói chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2024 toàn ngành tăng 12,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 11,32%; ngành chế biến, chế tạo 13,20%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước tính trên 57.110 tỷ đồng, đạt 104,89% kế hoạch, tăng 13,28% so với năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp đạt kế hoạch cao và tăng so với năm trước như: Mực đông các loại đạt tăng 11,12%; giày da tăng 25,47%; cá hộp tăng 16,10%; bột cá tăng 13,81%; điện thương phẩm tăng 12,67%...
Bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và du lịch tăng trưởng tốt
Năm 2024, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục tăng trưởng mạnh, lượng cung hàng hóa và dịch vụ luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Mặt khác, các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 trên toàn tỉnh đạt 162.329 tỷ đồng, tăng 22,15% so với năm trước. Trong đó, bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 87.378 tỷ đồng; Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 34.068 tỷ đồng; Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 816 tỷ đồng; Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 40.065 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, du lịch Kiên Giang đang có bước phát triển khá tốt, tạo nhiều điều kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, lượng khách quốc tế cũng như khách nội địa đến với tỉnh ngày càng tăng, đóng góp ngày càng lớn và quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.863.000 lượt khách tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Đảo ngọc Phú Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Vietnambooking |
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, xuất, nhập khẩu năm nay tăng khá so với năm trước, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại đã ký kết giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, đem lại nhiều cơ hội cho hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian qua, thực hiện tốt chế độ hoàn thuế, miễn thuế, không thu thuế đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên, xuất khẩu của tỉnh vẫn đang ở mức thấp, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, chưa tiếp cận được nhiều thị trường. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt gần 1.145 triệu USD, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 1.000 triệu USD, tăng 15,56%.Các mặt hàng xuất chủ yếu là thủy sản, gạo, nguyên liệu giày da và hàng hóa khác. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính 145 triệu USD, tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xăng dầu các loại.
Theo đánh giá, trong năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nên số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể tăng cao hơn năm trước và số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm trước. Trong năm 2024, thành lập mới được 1.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 11.000 tỷ đồng; có 1000 doanh nghiệp giải thể, thu hồi.
Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang cho biết, để đạt mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Cục đề xuất một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trong đó, tỉnh cần có giải pháp mạnh mẽ để thu hút đầu tư, lấp đầy Khu công nghiệp Thạnh Lộc, Khu công nghiệp Thuận Yên và đẩy mạnh xúc tiến triển khai các cụm công nghiệp gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ. Cải cách hành chính mạnh mẽ và có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp đến, tỉnh cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, đường bộ, đường thủy, cảng hàng không để kết nối liên thông các tuyến, các vùng trọng điểm, đảm bảo hạ tầng đáp ứng được cho sự phát triển. Đặc biệt, ưu tiên cho hạ tầng phát triển du lịch, để khai thác tốt lợi thế về du lịch của tỉnh. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, truyền thông du lịch; có biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp ở một vài lĩnh vực có thế mạnh, trở thành doanh nghiệp dẫn dắt lan tỏa phát triển… |