Cục Hàng hải Việt Nam trả lời đề xuất mở rộng luồng kênh Hà Nam (Hải Phòng)
Ngày 16/10, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Tại hội nghị, ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA) cho rằng, cần ưu tiên nạo vét các tuyến luồng trọng điểm quốc gia tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là khu vực Hải Phòng, Cái Mép.
Cụ thể, tại Hải Phòng, cần duy tu định kỳ kênh Hà Nam đảm bảo độ sâu -8.5 m, luồng Cái Mép đạt độ sâu tối thiểu -15.5 m và nghiên cứu nạo vét sâu hơn để đảm bảo năng lực đón các siêu tàu mẹ container từ 25.000 TEUs trở lên.
Theo ông Nhữ Đình Thiện, luồng kênh Hà Nam (Hải Phòng) là tuyến luồng quan trọng cửa ngõ miền Bắc với mật độ tàu hàng hải cao và có xu hướng tăng trọng tải tàu mạnh mẽ. Ngày 27/7/2024, dự án nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng, đoạn từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ đã hoàn thành, độ sâu -8.5 m đảm bảo cho tàu trọng tải lớn ra vào làm hàng.
Đại diện VISABA đề xuất Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đẩy nhanh mở rộng luồng kênh Hà Nam so với quy hoạch. Ảnh minh họa |
Ngay khi có thông báo hàng hải, một số hãng tàu đã chủ động cơ cấu chuyến tuyến để tàu vào khu vực khai thác, hoạt động trên tuyến nhộn nhịp hơn nhiều. Dự án đã tạo bước đột phá, xóa bỏ tình trạng các tàu hàng phải chờ con nước, góp phần gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của cụm cảng Hải Phòng.
Đại diện VISABA đề xuất Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đẩy nhanh mở rộng luồng kênh Hà Nam so với quy hoạch (từ 80 m của hiện tại lên 120 m), cho phép tàu thuyền được lưu thông hai chiều nhằm giảm áp lực lên các tuyến hàng hải, cắt giảm chi phí logistics...
Trả lời đề xuất này, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đều sắp xếp nạo vét các luồng, nhưng hiện nay vướng về đổ thải sản phẩm nạo vét.
Cục đã làm việc với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng chưa tìm được nơi đổ thải. Duy có Tiền Giang cho đổ thải (khoảng 2 triệu m3). Có những tỉnh cho vị trí đổ như đánh đố, bởi tiền đi đổ bằng ba tiền nạo vét. Vướng mắc nhất là việc đánh giá tác động môi trường.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nói thêm, việc mở rộng kênh Hà Nam và các kênh khác, phải làm theo kế hoạch trung hạn (5 năm một lần). Tuy nhiên, trong kế hoạch 2021 - 2026 không có kinh phí để làm việc này nên Cục phải rà soát lại vì nguồn lực có hạn, phải cân đối cho các dự án khác.
Riêng luồng Sài Gòn - Vũng Tàu sẽ nạo vét vào đầu tháng 11 tới, hiện nay, đã có vị trí đổ thải. Luồng /chu-de/cang-cai-mep-ha.topic vừa nạo vét, vừa mở rộng, hiện có một số vị trí ở các ngã ba sông bị bồi lắng, sẽ điều chỉnh tim luồng, đã đưa vào kế hoạch duy tu.