Cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không đúng!
Thưa ông, qua sự cố ở các thủy điện nhỏ vừa qua, dư luận “đổ lỗi” thủy điện là tội đồ gây lũ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Là người gắn bó với lĩnh vực năng lượng nhiều năm, cá nhân tôi cảm thấy rất buồn khi mỗi mùa bão tới, lũ lụt xảy ra hay khi có sự cố, thì thông tin cho rằng do xây dựng thủy điện, làm mất diện tích rừng tự nhiên là nguyên nhân gây lũ lụt lại xuất hiện. Quan điểm như vậy là chưa đúng là hoàn toàn oan cho các dự án thủy điện. Rõ ràng là sự hiểu không đúng và không đủ về thủy điện dẫn đến thông tin sai lệch, cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không chính xác. Các bạn có thể nhìn thấy rất rõ điều này từ các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang… đã chống lũ rất hiệu quả cho khu vực đồng bằng sông Hồng. Nếu không có các công trình trên thì đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội thường phải đối mặt với lũ lụt, mà điển hình như trận lũ vào các năm 1969, 1971 đã gây thiệt hại lớn...
Có quan điểm cho rằng thủy điện không phải là tác nhân chính nhưng lại gián tiếp khiến cho lũ lụt trầm trọng thêm. Theo tiến sĩ, vì đâu đã hình thành tâm lý như vậy?
Theo tôi, lũ lụt có nhiều nguyên nhân nhưng mấu chốt vẫn là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề, các hình thái thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cùng nhiều nhân tố khác như đô thị hoá nhanh, rừng tự nhiên tiếp tục bị khai thác trái phép, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm... đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân một số địa phương khi có mưa lớn, bão, lũ.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng có một số trường hợp kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, khi từ 2015 trở về trước, khi mùa mưa bão đến, có một số hồ thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên vì lợi ích cá nhân, chủ đập chưa tuân thủ các quy định của nhà nước nên thường xả lũ không đúng quy trình đã gây thiệt hại cho vùng hạ du. Đây có lẽ là nguyên nhân hình thành suy nghĩ trong cộng đồng là thủy điện thường gây thiệt hại cho người dân khi có mưa lũ, bão.
Tuy nhiên, tôi đồng quan điểm với PGS, TS Vũ Thanh Ca - giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội đã phân tích và khẳng định, không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ; nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều!
Ông đánh giá như thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng thủy điện gây mất rừng, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên?
Trong các đợt lũ lớn xảy ra vừa qua, đặc biệt ở miền Trung, dư luận lại rộ lên nguyên nhân lũ lớn là do hồ thủy điện vận hành xả lũ nên lũ chồng lũ. Từ đó có ý kiến cho rằng do phát triển thủy điện, rừng bị chặt phá ở khu vực lòng hồ nên diện tích rừng tự nhiên giảm nhiều dẫn đến hậu quả là lũ quét, lũ ống liên tục xẩy ra. Thực tế diện tích rừng tự nhiên giảm có rất nhiều tác nhân gây ra, đâu chỉ lỗi do phát triển thủy điện? Tất nhiên, trước khi giải phóng lòng hồ để tích nước, một số chủ đầu tư thủy điện đã lợi dụng sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chuyên môn địa phương để trục lợi bằng cách khai thác rừng với diện tích lớn hơn diện tích được cấp phép. Lỗi này là do con người, không phải do xây dựng thủy điện.
Về diện tích đất dành cho thủy điện, thì quả là khi xây dựng thủy điện đã làm ngập một số diện tích rừng tự nhiên, mặc dù các chủ đầu tư đã trồng bù rừng và hàng năm đã nộp phí dịch vụ môi trường rừng, tuy nhiên diện tích rừng trồng bù đó có thể sau 5-10 năm mới đem lại màu xanh và các yếu tố khác như điều kiện của rừng tự nhiên. Tuy nhiên, như tôi phân tích ở trên nếu nói rằng xây dựng thủy điện gây mất rừng, dẫn đến lũ lụt là thiếu căn cứ. Nếu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có cuộc khảo sát và thống kê diện tích rừng tự nhiên hàng năm bị mất do nạn phá rừng lấy đất canh tác, do xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh tế, dân sinh (bao gồm cả xây dựng thủy điện) thì chúng ta sẽ thấy ngay tác nhân nào gây mất rừng tự nhiên là chính.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch: Cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không đúng! |
Ông có thể đánh giá kỹ hơn về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thủy điện đến thời điểm hiện tại?
Nguồn tài nguyên thủy điện của nước ta rất phong phú và được phân bố đều khắp trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên việc khai thác nguồn thủy năng để phát điện lại rất muộn so với việc khai thác nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy và phòng chống tác hại do nước gây ra. Để khai thác tối đa tiềm năng thủy điện của nước ta, vai trò quy hoạch tối ưu các bậc thang thủy điện từng lưu vực sông và thiết kế xây dựng cụ thể các công trình thủy điện hợp lý với đặc điểm điều kiện tự nhiên khác nhau là vô cùng quan trọng. Căn cứ nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước theo từng giai đoạn, ngành Điện đã tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn trên cả nước (sông Đà, Lô-Gâm-Chảy, Mã-Chu, Cả, Hương-Bồ, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Ba, Sê San, Srêpôk và Đồng Nai) với quy mô công suất từ 30 MW trở lên và đã được Thủ tướng Chính Phủ hoặc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt. Quy hoạch thủy điện các lưu vực sông này đã cập nhật xem xét vấn đề sử dụng tổng hợp nguồn nước, phòng chống lũ, giao thông thủy, tài nguyên khoáng sản trong lòng hồ, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... trên lưu vực; đánh giá tác động môi trường, công tác di dân tái định cư.
Trong Quy hoạch các bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông đã bố trí dung tích phòng lũ thường xuyên từ 80 triệu m3 đến 7 tỷ m3, các công trình thủy điện đã phát huy tối đa hiệu quả tổng hợp về phát điện, cấp nước, chống hoặc giảm lũ cho hạ du. Đối với các lưu vực sông khu vực miền Trung do điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc lớn nên không thể xây dựng các hồ thủy điện có dung tích phòng lũ (vì nếu muốn có dung tích hồ chứa lớn thì phải xây dựng đập dâng cao, dẫn đến gây ngập đất nhiều, di chuyển nhiều dân ra khỏi vùng ngập của hồ chứa, ảnh hưởng lớn đến môi trường), không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.
Vì vậy các thủy điện khu vực miền Trung chỉ có tác dụng giảm nhẹ lũ.
Ảnh minh hoạ |
Các nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống sông đều có Quy trình vận hành liên hồ chứa với các quy định đầy đủ, chặt chẽ, có sự phối hợp các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo an toàn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên 11 lưu vực sông.
Căn cứ các Quy hoạch thủy điện này, đến nay chúng ta đã cơ bản triển khai xây dựng và đưa vào vận hành tất cả các công trình thủy điện trên dòng chính các lưu vực sông lớn và phát huy tối đa hiệu quả tổng hợp về phát điện, cấp nước, chống hoặc giảm lũ cho hạ du.
Giai đoạn 2003-2005, chúng ta đã thực hiện Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc có quy mô công suất từ 1 đến 30MW. Sau năm 2005, trên các sông nhỏ và sông nhánh, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phần lớn do các tỉnh tổ chức, lập và phê duyệt trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Đặc điểm các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ là có dung tích hồ chứa nhỏ, điều tiết dòng chảy ngày đêm hoặc tuần (tích nước trong ngày để phát điện phủ đỉnh vào giờ cao điểm), không có nhiệm vụ phòng lũ nên khi lũ về bao nhiêu thì được xả xuống hạ du công trình (qua đập tràn tự chảy hoặc xả tràn qua các cửa van). Điều này cho thấy nhiều ý kiến cho rằng thuỷ điện nhỏ gây thêm lũ hạ du là không có cơ sở.
Ngày 27/12/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo Thông tư này, việc nghiên cứu, lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương; việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền UBND các tỉnh. Ngoài ra, các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện vừa và nhỏ để đầu tư để đầu tư xây dựng và vận hành theo đúng các quy định của pháp luật. Về tiêu chí môi trường, quy định các dự án thủy điện không được chiếm dụng đất (bao gồm cả diện tích rừng) không quá 10ha/1 MW công suất lắp máy và không được di dân quá số lượng 1 hộ/1 MW công suất lắp máy; phải tuân thủ quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xât dựng, Luật Điện lực...
Theo thống kê các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng và đang vận hành thì diện tích chiếm đất các loại bình quân vào khoảng 1,9 ha/ 1 MW, nhỏ hơn nhiều so với quy định tại Thông tư 43 của Bộ Công Thương. Tính đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương đã loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện vừa và nhỏ và 213 vị trí tiềm năng có thể xây dựng công trình thủy điện do các dự án này có diện tích chiếm dụng đất lớn hoặc có tác động lớn đến môi trường, kinh tế và xã hội.
Để công tác quản lý vận hành thủy điện tốt và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, theo tiến sĩ, chúng ta cần phải có hành động cụ thể nào?
Như tôi đánh giá ở trên thì hiện tại, công tác quy hoạch thủy điện nước ta đã thực hiện tốt, làm đúng vai trò của nó là khai thác triệt để, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Các nhà máy thủy điện đã được xây dựng và đưa vào vận đóng vai trò to lớn trong việc cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, do giá thành của thủy điện rẻ, điều tiết hợp lý giá điện, tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách... Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh. Nhìn chung, việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập của người dân địa phương. Trong những năm qua, thủy điện là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và giá thành điện năng rẻ hơn so với các nguồn điện khác, đã góp phần đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt; chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp tại các vùng có dự án; tăng hiệu quả sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước có sử dụng điện; tạo thêm nhiều việc làm cho các lực lượng lao động trong cả nước.
Tuy nhiên, trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành vẫn còn đó những tồn tại cần phải được giải quyết. Trước hết, công tác quản lý quy hoạch thủy điện còn chồng chéo giữa các bộ, ngành. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch phát triển tài nguyên nước, Bộ Công Thương quy hoạch bậc thang thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch thủy lợi,... do vậy, khi triển khai đầu tư xây dựng công trình phải xin thỏa thuận của nhiều bộ, ngành. Thậm chí có dự án khi triển khai xây dựng mới phát hiện sự chồng chéo về mặt quy hoạch, phải xử lý gây lãng phí, chậm tiến độ.
Thứ hai, việc phân cấp cho địa phương chưa phù hợp: Các quy hoạch vùng do địa phương quản lý thường được ưu tiên giao cho các đơn vị tư vấn trên địa bàn thực hiện (với lý do là để dễ quản lý), trong khi trình độ, kinh nghiệm còn non kém, hạn chế, điều tra, khảo sát không đầy đủ dẫn đến chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng, do vậy, thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung; danh mục, sơ đồ khai thác và quy mô dự án chưa nghiên cứu toàn diện lưu vực; chưa cập nhật đồng bộ với các quy hoạch khác có liên quan. Các tài liệu cơ bản cho quy hoạch còn thiếu, hoặc độ chính xác thấp do công tác điều tra, khảo sát thực tế còn hạn chế, yếu kém.
Thứ ba, các dự án thủy điện nhỏ do địa phương quản lý: việc giao lập dự án đầu tư cho các đơn vị tư vấn, hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư chưa xem xét kỹ về năng lực tài chính và kinh nghiệm của các đơn vị, chất lượng hồ sơ dự án đăng ký đầu tư, điều kiện đầu tư không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Công tác quản lý đầu tư xây dựng chưa được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đúng mức. Một số dự án được khởi công xây dựng khi chưa đảm bảo các điều kiện về trình tự xây dựng cơ bản. Việc kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư đối với các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công chưa được thường xuyên, đầy đủ để đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thực hiện, các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường..v.v.
Xin cảm ơn ông!