Củ mài, từ dược liệu quý đến món ngon bổ dưỡng
Cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá. Rễ củ mài đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, màu vàng. Lá gần giống lá củ từ, thường có vào mùa hè và lụi vào mùa thu.
Củ mài không chỉ được sử dụng làm dược liệu mà còn là một thực phẩm bổ dưỡng. Ảnh minh họa |
Củ mài to tầm như củ sắn nhưng cắm sâu hàng mét, mỗi dây thường chỉ cho một củ. Đào càng sâu đoạn củ dưới đất càng bở, nạc và ngon hơn đoạn gần cuống dây. Chính phần củ là bộ phận được sử dụng nhiều nhất, trở thành vị thuốc bổ dưỡng. Do chứa lượng lớn chất dẻo, tinh bột, protein, axit amin và vitamin tổng hợp nên ăn củ mài có tác dụng làm ẩm và dưỡng da, làm chậm lão hóa rất hiệu quả; đồng thời, chất xơ trong củ mài giúp ổn định lượng đường trong máu, phụ trợ điều trị tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường. Tại gia đình, mọi người có thể chế biến các món ăn đơn giản nhưng bổ dưỡng từ củ mài.
Không chỉ được sử dụng làm dược liệu mà còn là một thực phẩm bổ dưỡng. Dưới đây là những công dụng từ củ mài.
Có tác dụng bổ tỳ ích vị
Củ mài rất giàu chất nhầy và tinh bột, có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu ở đường tiêu hóa, đối với người bị khó chịu đường tiêu hóa và tỳ hư có tác dụng điều hòa rất tốt.
Dưỡng nhan và làm đẹp
Củ mài chứa một lượng lớn chất nhầy, tinh bột, protein, axit amin và vitamin tổng hợp. Những thành phần này có thể làm ẩm và dưỡng da, trì hoãn lão hóa rất hiệu quả.
Hạ đường huyết
Củ mài chứa polysaccharid và chất xơ, có thể hạ đường huyết và giúp ổn định lượng đường trong máu, có tác dụng phụ trợ điều trị rất tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Dưỡng gan và bảo vệ gan:
Củ mài rất giàu các nguyên tố vi lượng và glycoside thực vật. Những thành phần này có tác dụng bảo vệ gan rất mạnh, có thể làm giảm sự hấp thụ và bài tiết các chất có hại của gan, có lợi cho quá trình giải độc và thanh lọc cơ thể.
Ngoài là loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe, củ mài còn được chế biến ra các món khác ăn cũng rất ngon miệng.
Củ mài có thể nấu canh, nấu chè, chế biến ra các món khác ăn cũng rất ngon miệng. Ảnh baocaobang |
Củ mài hấp, nấu canh
Sau khi thu hoạch củ mài về thường được cạo sạch vỏ rồi luộc, xào hoặc nấu canh ăn. Phần vỏ củ mài dễ gây ngứa và dị ứng da, bởi vậy khi gọt vỏ nên dùng găng tay, đồng thời rửa củ mài sạch sẽ. Củ mài sau khi cắt lát nên cho vào chậu nước pha nước muối loãng để tránh bị oxy hóa, thâm đen.
Đơn giản nhất, củ mài rửa sạch, để nguyên vỏ, cho vào nồi hấp giống các loại củ khác như khoai lang, củ từ, khoai tây, khi chín chấm củ mài với đường hoặc mật mía.
Để nấu canh củ mài, sau khi cao sạch vỏ thì cắt miếng vừa ăn đem nấu canh xương, hạt sen. Vị thơm, bở tơi của củ mài, bùi của hạt sen lẫn với vị ngọt đậm từ xương khiến mâm cơm đơn giản nhưng vẫn thơm ngon, dưỡng chất.
Chè củ mài
Củ mài hấp chín rồi xắt thành miếng nhỏ, đem nấu chè cùng đậu xanh, long nhãn. Khi củ mài, đậu xanh đã mềm, chín bở, cho thêm đường vào đun sôi lại một lần nữa cho đến khi đường tan hết, hòa thêm bột sắn dây (bột đao), tùy vào khẩu vị từng người có thể cho nhiều hoặc ít bột.
Chè củ mài có thể ăn nóng hoặc ăn nguội, cho thêm chút đá mát lạnh sẽ ngon hơn. Nâng bát chè củ mài thưởng thức mới cảm nhận hết vị ngon, vị mát tan nơi đầu lưỡi, cảm giác như tụ đủ hương vị của núi rừng.
Cháo củ mài
Cháo củ mài chế biến đơn giản nhưng lại là một món ăn ngon, giúp bồi bổ cơ thể, tận dụng được dược tính của củ mài. Tùy cách thức làm kết hợp với một số nguyên liệu khác nhau (sen, ý dĩ, kỳ tử, tôm, thịt...), món cháo củ mài là bài thuốc phù hợp dành cho người mệt mỏi, chán ăn, trẻ em suy dinh dưỡng, người có bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Ngoài các cách làm đơn giản như trên, nhiều người còn dùng củ mài để chế biến thành các món bánh, làm bột khô để pha uống là thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe.