Công ty CP DAP - Vinachem: Đa dạng giải pháp bảo vệ môi trường và xử lý chất thải
Triển khai đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường
Xác định sản xuất gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ngay từ khi thành lập và triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy, DAP - Vinachem đã luôn ý thức và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Vì thế, Công ty đã tiến hành triển khai đầy đủ các nội dung và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Khuôn viên sạch sẽ của DAP - Vinachem |
Cụ thể, nhà máy đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải, khí thải, khu vực và dụng cụ lưu chứa chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống quan trắc tự động khí thải, trồng cây xanh tại các khu vực… Bên cạnh đó, Công ty hiện nay đã và đang thực hiện theo đúng các yêu cầu và các cam kết đã đề ra trong bộ tài liệu, quy trình hệ thống quản lý chất lượng môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015, duy trì thực hiện chế độ kiểm tra đánh giá định kỳ theo đúng yêu cầu.
Để kiểm soát, giảm phát thải về nước thải và khí thải, trong thời gian qua, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản suất nhằm giảm suất tiêu hao nguyên, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường tận thu tái sử dụng phế thải, sản xuất sạch hơn, qua đó giảm lượng phát thải về khí thải (kiểm soát đảm bảo các thông số môi trường về khí thải). Các kết quả quan trắc, giám sát về khí thải, nước thải thường xuyên và định kỳ đều đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường tương ứng.
Đặc biệt, lãnh đạo Công ty luôn đặc biệt chú trọng đến việc trồng phủ xanh các phần diện tích đất bên trong và ngoài nhà máy. Đến nay, các phần diện tích trống trong nhà máy đều được sử dụng trồng cây xanh, tạo không gian làm việc thoải mái, tạo ra bóng mát, giá trị thẩm mỹ, giúp cho con người trở lên gần gũi với môi trường hơn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động khói bụi đến người lao động. Các chương trình trồng cây xanh luôn được lồng ghép trong các hoạt động sản xuất và giao cho các thủ trưởng các đơn vị tự phát triển, tạo những kiến trúc hài hòa, cắt tỉa, chăm bón.
Song song với công tác phát triển trồng cây xanh, việc tạo hệ sinh thái xen kẹp với hệ thống nhà xưởng cũng được phát triển. Hiện nay, trên mặt bằng nhà máy có 06 bể tiểu cảnh nuôi cá, xung quanh được trang trí đẹp và có người chăm sóc. Đặc biệt, là hồ sinh thái phân xưởng axit phốtphoríc, có diện tích rộng 02ha giúp điều hòa không khí, tạo cảnh quan đẹp. Hồ còn là nguồn dự trữ nước ứng phó sự cố.
Khu vực ao cá công đoàn là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn công ty |
Các hoạt động của công đoàn như trồng cây, trồng hoa, trồng rau và nuôi gia súc, luôn được người lao động hưởng ứng và được duy trì đều đặn. Hiện nay, vườn rau Công đoàn là một nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của Công ty.
Đẩy mạnh quản lý chất thải thạch cao PG
Trong quá trình sản xuất DAP, một trong những loại chất thải rắn phát sinh là thạch cao PG. Hiện tổng diện tích công ty được cấp để chứa thạch cao PG là 38,5ha, phần diện tích đang chứa hiện nay là 25ha. Trong đó, bãi chứa thạch cao tạm thời có diện tích 13ha hiện đang chứa khoảng 2,0 triệu tấn, chiều cao khoảng 35m. Bãi chứa lâu dài, diện tích đang chứa là 12ha chia làm 02 phân khu, khối lượng đang chứa khoảng 1,56 triệu tấn. Phần diện tích còn lại là mương thu nước róc và hồ điều hòa là 11ha; Phần diện tích bờ bao và dải cây xanh xung quanh là 2,5ha.
Nhằm đảm bảo an toàn môi trường đối với bãi chứa thạch cao PG, công ty đã và đang tuân thủ đúng theo những nội dung cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Theo đó, bãi chứa thạch cao được chia thành 02 khu vực, khu vực chứa thạch cao tạm thời và bãi chứa lâu dài. Có hệ thống thu gom nước róc (nước mưa) đưa về hồ chứa và bơm về sử dụng tại công đoạn hòa bùn quặng apatit của nhà máy axit phốtphoríc.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ phát sinh sự cố môi trường với bãi chứa thạch cao, Công ty đã liên tục đầu tư thực hiện các biện pháp gia cố, mở rộng và tuyến đê bao giáp các hồ chứa. Cụ thể là đê bao quanh bãi chứa tạm thời (kích thước mặt đê rộng lên 10 m, chân đê rộng 15m, tổng chiều dài 1.400 m); Hồ chứa nước mưa (hồ điều hòa): Hiện được chia làm 04 khoang, diện tích chứa nước khoảng 9ha. Kích thước đê sau khi hoàn thiện mặt đê rộng 15m (9m trồng cây, 6m để xe cơ giới đi lại), chân đê rộng 29m, tổng chiều dài 1.600m.
Trong 02 năm 2019 - 2020, Công ty đã triển khai đầu tư bọc phủ màng HDPE để tách nước mưa tại khu vực bãi chứa thạch cao lâu dài, qua đó giảm đáng kể lượng nước phải hứng chịu đưa về hồ chứa, gia tăng độ an toàn cho khu vực phòng ngừa ứng phó trước những diễn biến cực đoan của thời tiết. Cùng với việc phủ xanh toàn bộ các ô đất trống bên trong các khu vực nhà xưởng, trong những năm qua Công ty đã tiến hành trồng cây lên từng bậc thang của khu vực bãi chứa thạch cao, từng bước tạo được không gian cảnh quan xanh khu vực.
Đặc biệt, để tái sử dụng thạch cao, năm 2010, Công ty đã hợp tác với Công ty CP Sông Đà Cao Cường thành lập Công ty CP Thạch cao Đình Vũ để triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thạch cao làm phụ gia xi măng. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 2017 với công suất 750.000 tấn/năm thạch cao dạng vê viên. Công nghệ chế biến thạch cao làm phụ gia xi măng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và phê duyệt. Chất lượng đáp ứng Tiêu chuẩn TCVN 11833:2017 thạch cao phospho dùng làm phụ gia ximăng.
Tình hình chế biến và tiêu thụ, sau nhiều năm kiên trì bán giới thiệu sản phẩm thạch cao sau chế biến, đến nay đã có 28 nhà máy xi măng trong nước ký hợp đồng mua và đưa vào sử dụng thường xuyên sản phẩm của Công ty Thạch cao Đình Vũ. Từ quý II/2021 đến nay liên tục tăng, đến nay sản lượng thạch cao PG chế biến làm phụ gia xi măng đã cân bằng với lượng bã thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP, qua đó đạt được mục tiêu không làm tăng quy mô lưu trữ tại bãi chứa. Tuy nhiên, hiện nay do phải cạnh tranh gay gắt về thị phần với thạch cao nhập khẩu từ nước ngoài, nên nhà máy vẫn chưa huy động hết 100% công suất (năm 2022, phấn đấu tiêu thụ khoảng 450.000 tấn, bằng 60% công suất thiết kế).
Để tăng cường thêm giải pháp tiêu thụ thạch cao, để giảm lượng tồn trữ tại bãi chứa, năm 2017 Công ty DAP đã ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện Đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty DAP làm vật liệu san nền. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng, năm 2018 – 2019 Công ty cũng đã phối hợp với một số đối tác, tiến hành thử nghiệm làm cốt nền đường giao thông, cốt nền bãi chứa container tại huyện Kinh Thành, Hải Dương và huyện An Dương Hải Phòng. Tuy nhiên hiện nay chưa thể triển khai ứng dụng kết quả đề tài trên diện rộng, do chưa có tiêu chuẩn sử dụng với loại vật liệu mới này.
Hiện nay, Công ty vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựngđể đôn đốc tiến độ nghiệm thu kết quả thí nghiệm hiện trường giai đoạn 2 phương án sử dụng thạch cao PG làm lớp base, lớp subase cho đường giao thông, đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan xây dựng và ban hành văn bản cho phép triển khai ứng dụng trên thực tế những kết quả đã nghiên cứu.
Tuy nhiên, do việc tiêu thụ thạch cao PG đến nay vẫn còn một số khó khăn vướng mắc nên công ty cũng đề nghị các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải. Cụ thể với sản phẩm thạch cao PG, đề nghị có chính sách hạn chế nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ nước ngoài, tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo chế biến trong nước. Đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn, văn bản chấp thuận việc sử dụng bã thạch cao đã qua xử lý làm vật liệu xây dựng (cốt nền đường giao thông, gạch chèn tự xếp tại các bãi cầu cảng ...).