Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 8/8: Nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam sang các nước châu Âu
Tạp chí Thời đại có bài "Cơ hội cho nông sản Việt Nam sang các nước châu Âu"; Nông nghiệp Việt Nam có bài "Mở đường xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các nước EU". Nội dung bài báo nêu nhận định về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh, thị phần được mở rộng nếu các doanh nghiệp biết tận dụng và nắm bắt thời cơ trên cơ sở tôn trọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam sang các nước châu Âu |
Năm 2021, xuất khẩu Việt Nam sang EU lên đến 46 tỷ USD, tăng 14%. Những mặt hàng nông sản hàng đầu nhập khẩu từ Việt Nam là trái cây nhiệt đới, các loại hạt, gia vị tươi và khô trị giá 869 triệu ERU (39%); cà phê chưa rang, trà là 868 triệu EUR (38%); các sản phẩm nông sản còn lại là cà phê, trà, gạo, mỳ, bánh ngọt, bánh quy. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang EU năm 2021 đạt 14 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020
Tuy nhiên, bài báo cũng trích dẫn cảnh báo của bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, các mặt hàng thực phẩm khô nhập khẩu từ Việt Nam liên tiếp nhận cảnh báo vi phạm quy định về etylene oxide, do đó các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này có tâm lý e dè hơn, giảm lượng hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, báo chí tiếp tục phản ánh vấn đề Thép Việt Nam bị khởi xướng điều tra bán phá giá tại Mexico. Báo Đầu tư có bài "Thép cán nguội Việt Nam bị khởi xướng điều tra bán phá giá tại Mexico"; Vneconomy có bài "Thép Việt Nam liên tiếp “dính” kiện phòng vệ thương mại"; Vnbusiness có bài "Vì sao Mexico điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam?". Theo phản ánh, Bộ Kinh tế Mexico đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.
Sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá là thép cán nguội có mã HS: 7209.16.01, 7209.17.01, 7209.18.01, 7209.26.01, 7209.27.01, 7209.28.01, 7209.90.99, 7211.23.03, 7211.29.99, 7211.90.99, 7225.50.07, và 7226.92.06. Dự kiến cơ quan điều tra Mexico sẽ ra kết luận sơ bộ trong vòng 130 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Ngoài ra, việc xử lý dứt điểm yếu kém tại dự án Đạm Ninh Bình tiếp tục được báo chí quan tâm. Báo Sài gòn Giải phóng có bài "Trình phương án xử lý dự án Đạm Ninh Bình và Nhà máy đóng tàu Dung Quất"; Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh có bài "Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm dự án Đạm Ninh Bình, đóng tàu Dung Quất"; Báo Đầu tư có bài "Phải có phương án xử lý dứt điểm Dự án Đạm Ninh Bình và Đóng tàu Dung Quất"...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã chủ trì cuộc họp xem xét phương án xử lý Dự án Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Phó Thủ tướng đã yêu cầu, dự án Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất phải có phương án xử lý dứt điểm hoạt động yếu kém, thua lỗ.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vào ngày 4/2/2022, lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã làm tốt công tác phòng dịch Covid-19, duy trì sản xuất, xuất bán hàng, nhập vật tư liên tục, an toàn, chăm lo tốt cho người lao động. Đồng thời, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương (tại Chỉ thị số 10/BCT ngày 23/8/2021) về việc ổn định sản xuất, bình ổn giá urê trong nước, đảm bảo an ninh lương thực.
Nhờ vậy, tháng 7/2021, lần đầu tiên Đạm Ninh Bình bắt đầu kinh doanh có lãi, sau 10 năm hoạt động sản xuất kinh doanh. Cả năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.001 tỷ đồng, bằng 158% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 241% so với thực hiện năm 2020. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 4.112 tỷ đồng, bằng 168% với kế hoạch năm 2021 và đạt bằng 230% so với thực hiện năm 2020.