Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 7/8: Nỗ lực ứng phó với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng tỷ đô giảm tốc
Tờ Đầu tư sáng ngày 7/8 có bài: “Xuất khẩu nhóm hàng tỷ USD giảm tốc”. Bài báo phân tích, không còn là dự báo, hoạt động xuất khẩu của một số ngành hàng tỷ USD, thậm chí chục tỷ USD đã có sự sụt giảm đáng kể trong tháng 7/2022.
Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã giảm 7,7% so với tháng 6, đạt 30,3 tỷ USD chủ yếu do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức giảm tương ứng là 7,4% và 7,2%.
Đây cũng là tháng thứ hai, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm (tháng 6 đã giảm 9,1% so với tháng 5). Giảm nhiều nhất là phân bón các loại, giảm 33,3%; tiếp đến là sắt thép các loại giảm 23,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 22,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu suy giảm |
Trước những rủi ro hiện hữu tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công Thương cho hay, toàn ngành vẫn tập trung để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%. Sự giảm tốc của một số ngành hàng trong tháng 7 chưa đáng lo ngại.
Thực tế, hoạt động giao thương quốc tế vẫn được duy trì liền mạch trong điều kiện bị tác động mạnh bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, vận chuyển, chi phí logistics leo thang. Nhờ đó, xuất khẩu năm 2020 và 2021 vẫn tăng lần lượt 6,5% và 19%, 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng 16,1%, đạt hơn 216 tỷ USD.
Tờ Tuổi trẻ đưa thông tin “Xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc do lạm phát ở Mỹ, châu Âu”. Theo bài báo, tháng 6 và 7-2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tiếp sụt giảm về giá trị xuất khẩu. Dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh doanh thu và đơn hàng tại thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Anh... do lạm phát dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 2 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.
Lũy kế 7 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% nhưng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ lại giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó là do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Tờ Tuổi trẻ thủ đô nêu thông tin: “Xuất siêu của Việt Nam còn thấp, thiếu tính bền vững”. Bài báo dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 7/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng khá. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 30,32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 3,4%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu tuy không cao nhưng cũng là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế, cùng kỳ năm trước cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,31 tỷ USD.
Tuy nhiên, mức xuất siêu hiện nay còn thấp, thiếu tính bền vững, nguy cơ nhập siêu vẫn luôn hiện hữu. Nhập siêu không chỉ tác động đến kinh tế vĩ mô (cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, công nợ ngoại tệ, lạm phát…), mà còn tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến giá xăng dầu, tờ Zing đưa thông tin, “Dầu thô xuống thấp nhất 6 tháng, giá xăng có thể giảm tiếp”. Bài báo cho biết, giá dầu thô thế giới đã lao đốc mạnh trong những ngày qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã phục hồi lên hơn 96 USD/thùng rồi nhanh chóng giảm về mức 94,195 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent vẫn sụt giảm gần 9% trong tuần này.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 4/8 tiếp tục giảm so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 107,4 USD/thùng; xăng RON 95 là 111,61 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 110,6 USD/thùng xăng RON 92; 114,4 USD/thùng xăng RON 95 và 130,5 USD/thùng dầu diesel.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết những ngày gần đây, giá dầu thô lao dốc mạnh, điều này có thể sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiếp tục hạ nhiệt trong kỳ tới.
Dự kiến giá dầu thô ở duy trì ở mức như hiện tại thì xăng dầu trong nước có thể giảm khoảng 500-600 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm còn tùy thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới trong 5 ngày tới và mức trích quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết hiện giá dầu thô đang giao động quanh ngưỡng 90 USD/thùng. "Do đó dự kiến giá xăng dầu trong nước sẽ giảm tiếp khoảng 500-1.000 đồng/lít. Nếu giá dầu thô tiếp tục lao dốc mạnh thì giá mặt hàng này kỳ điều hành ngày 11/8 có thể sẽ giảm nhiều hơn mức dự đoán", đại diện doanh nghiệp này cho hay.