Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 5/8: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý
Báo Lao động đã đăng tải bài viết “Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường và Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Theo công điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý…
Qua bài viết “Giá xăng dầu giảm nhưng cước vận tải vẫn “neo" cao”, báo Điện tử VOV, cho biết: Từ cuối tháng 7/2022 đến nay, giá xăng dầu giảm liên tục và đang ở mức 26.100 đồng/lít xăng và 24.300 đồng/lít dầu nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể giảm giá cước. Lý do là với mức giá nhiên liệu như hiện nay, doanh nghiệp mới tạm thu đủ bù chi và chưa có lãi.
Với mức giá xăng, dầu như hiện nay khoảng 25.000 – 26.000 đồng/lít doanh thu của doanh nghiệp mới tạm ổn, xe chạy chỉ đủ chi phí nhiên liệu và nhân công cho tài xế, bốc xếp. Đây là mức giá trung bình chứ chưa phải mức thấp. Nếu giá xăng, dầu quay về mức 22.000 – 23.000 đồng/lít và ổn định lâu dài từ 2 – 3 tháng doanh nghiệp sẽ tính toán giảm cước vận tải để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
“Cách nào hạ nhiệt giá hàng hóa?” là bài viết cũng là câu hỏi trang Vnexpress đưa ra bởi sau 4 lần giảm liên tiếp với mức hạ hơn 6.500 đồng một lít, giá xăng dầu đã về lại mức tương đương hồi đầu năm. Tuy nhiên, phản ánh của người tiêu dùng lại cho thấy, một số mặt hàng hoá, dịch vụ không chuyển động cùng chiều với xăng dầu khi vẫn giữ giá, neo cao.
Nói về hiện tượng này tại toạ đàm về giải pháp cho giá xăng dầu giảm, hàng hoá không giảm chiều 4/8, bà Đinh Thị Nương, Phó cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) giải thích, nguyên nhân chính đến từ độ trễ trên thị trường. "Các doanh nghiệp phải rà soát lại yếu tố chi phí hình thành giá, rồi mới xác định mức giảm theo giá xăng dầu", bà nói.
Đồng tình với việc điều chỉnh giá cần có độ trễ, nhưng chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng thời gian trễ chỉ nên kéo dài vài tuần thay vì cả tháng như hiện nay. Ông cho rằng các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh hơn trong rà soát, tìm các bất cập.
Tiếp tục phản ánh về giá xăng dầu, VTC News có bài viết “Giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm mạnh?”. Theo đó, còn 6 ngày nữa mới đến kỳ điều hành giá nhưng một số doanh nghiệp dự báo, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm thì giá xăng dầu trong nước sẽ có kỳ giảm giá thứ 5 liên tiếp. Trả lời VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc đi ngang trong những ngày tới thì chắc chắn giá bán lẻ trong nước sẽ giảm mạnh.
Liên quan đến hoạt động của Quỹ bình ổn giá, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng quỹ hoạt động không hiệu quả trong thời gian qua. “Quỹ bình ổn giá chỉ phát huy hiệu quả trong trường hợp giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp và nhà nước can thiệp sâu vào giá hàng hoá. Nay giá xăng dầu trong nước khá sát với giá thế giới, thời gian giữa hai kỳ điều hành ngắn, nên quỹ bình ổn giá khó phát huy hiệu quả”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Báo Thanh niên phản ánh thông tin qua bài “Lộn xộn chiết khấu bán xăng”. Cụ thể, sáng 4.8, thông tin từ các đại lý bán lẻ xăng dầu cho thấy, mức chiết khấu (tiền hoa hồng) từ nhà phân phối tính cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (cây xăng) vẫn ở mức khá thấp. Chẳng hạn, với Công ty CP hóa dầu quân đội Mipec, chiết khấu cho xăng RON 95-III là 450 đồng/lít, xăng E5 RON 92 mức 400 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít. Các đại lý phản ánh như vậy, nhưng thực tế có nhiều thời điểm mức chiết khấu cũng khá cao.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng mức chiết khấu là do doanh nghiệp thỏa thuận với đại lý. Trong thực tế, các doanh nghiệp luôn tính toán để đưa ra mức chiết khấu đủ cạnh tranh và ràng buộc đại lý đăng ký lấy hàng từ doanh nghiệp để chống hàng giả. Nhà nước không thể can thiệp đến mức phân lợi nhuận cho đại lý được. Kinh doanh thì ai cũng tính đến lợi nhuận, việc bảo đảm lợi ích hài hòa và khi có lãi cao, khi thấp là rất bình thường.