Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 3/9: Giá xăng dầu sẽ tăng hay giảm trong ngày 5/9?
Tiêu điểm của báo Lao động có bài viết “Giá xăng dầu sẽ tăng từ 500-2.000 đồng mỗi lít vào ngày 5.9”. Tác giả bài viết phản ánh, lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết: Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 5.9, giá xăng RON 95 có thể tăng 560 đồng mỗi lít, xăng E5 tăng 420 đồng mỗi lít, còn giá dầu có thể tăng từ 1.960 - 1.980 đồng mỗi lít.
Trước thông tin giá xăng dầu có thể tăng, nhu cầu mua xăng dầu của người dân tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cao, dự báo có thể dẫn đến tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa do khan hàng, đặc biệt vào thời điểm nghỉ lễ từ ngày 1-4.9.
Bài viết cũng phản ánh ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sau thời gian giá xăng dầu lao dốc, giá xăng dầu có dấu hiệu tăng trở lại kể từ giữa tháng 8 đến nay. Đặc biệt giá dầu diesel trong 2 tuần gần đây đang tăng mạnh trở lại với mức tăng 10-16% so với giá bình quân kỳ điều hành ngày 22.8. Điều này khiến cho việc điều hành xăng dầu trong kỳ điều hành tới có thể chịu áp lực tăng giá trở lại.
Đưa ra câu hỏi qua bài viết “Giá xăng sẽ giảm vào kỳ điều hành ngày 5/9 tới?”, báo Dân trí thông tin: Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng dầu thế giới biến động rất mạnh. Ông dự báo, trong kỳ điều hành ngày 5/9, giá xăng trong nước có thể giảm từ 400 đến 600 đồng mỗi lít, còn dầu sẽ tăng khoảng 2.000 đồng.
Trong khi đó, nếu kỳ điều hành vẫn rơi vào ngày 1/9 như thường lệ, giá xăng được dự báo tăng ở mức 100-250 đồng mỗi lít, còn giá dầu tăng ở mức khoảng 1.700-2.000 đồng/lít hoặc kg tùy loại.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp chia sẻ lo ngại lùi thời gian điều chỉnh sẽ khiến tình trạng hàng loạt cửa hàng đóng cửa như hồi đầu năm xuất hiện do lùi thời gian tăng giá sẽ làm xuất hiện tâm lý găm hàng, đợi bán giá chênh.
Cũng trong lĩnh vực xăng dầu, báo Sài gòn giải phóng online lại phản ánh ở một khía cạnh khác khi đăng tải bài viết “Đề nghị kiểm tra nguồn cung tại các đầu mối xăng dầu”. Cụ thể, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đang là ngày nghỉ lễ nhưng khi có thông tin phản ánh việc một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán, găm hàng chờ tăng giá, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã huy động 100% quân số để kiểm tra, giám sát.
Qua kiểm tra thực tế, nhìn chung khu vực nội thành Hà Nội chỉ có một số cửa hàng kinh doanh xăng dầunhỏ, do bồ chứa nhỏ nên khi công suất bán hàng tăng cao gấp 2-3 lần ngày thường đã dẫn đến tình trạng hết xăng dầu cục bộ. Không có trường hợp nào đóng cửa vì mục đích đầu cơ, găm hàng. Tại khu vực ngoại thành cũng phát hiện khoảng 6-7 cây xăng tạm dừng bán do hết hàng. Lãnh đạo quản lý thị trường Hà Nội khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu có hành vi đầu cơ, găm hàng.
Báo Tuổi trẻ cũng đăng tải bài viết “Ông lớn Petrolimex khẩn thiết kiến nghị giải pháp bình ổn vì lo nguồn cung xăng dầu đứt gãy”. Bài viết nêu, tập đoàn này đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đều phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối của mình.
Kịp thời điều chỉnh chi phí premium và chi phí vận tải - vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 11-7-2022 - để cập nhật bổ sung ngay vào chu kỳ điều hành giá ngày 12-9 sắp tới, nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.
Tập đoàn này cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Liên bộ Công Thương - Tài chính ghi nhận các yếu tố khách quan dẫn đến kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2022 của tập đoàn bị lỗ do tham gia bình ổn thị trường.
Petrolimex cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nguồn thông qua việc kết nối dữ liệu từ các kho của các thương nhân đầu mối trong việc tiếp nhận hàng nhập khẩu hoặc mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước.