Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/8: Doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước thách thức lớn
Nổi bật trên các báo ngày hôm nay (22/8) là thông tin về các doanh nghiệp ngành gỗ. Cụ thể, tờ CafeBiz có bài: Xuất khẩu gỗ lao đao vì lạm phát cao.
Bài báo dẫn số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tuần từ ngày 26/7 đến ngày 2/8/2022 là 335,4 triệu USD, giảm 7,6% so với tuần trước đó.
Tổng cục Hải quan thống kê trong tháng 7, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,31 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, cao hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) chia sẻ: Xuất khẩu tháng 7 giảm nhưng vẫn còn những đơn hàng cũ. Còn hiện nay, ngành gỗ đang đối mặt với việc đơn hàng mới giảm. Nguyên nhân vì lạm phát khiến sức mua thị trường yếu vì đồ gỗ không nằm trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Mỹ tăng 8,5% so với cùng 2021 dù đã hạ nhiệt so với mức tăng kỷ lục hơn 4 thập kỷ 9,1% ghi nhận trong tháng 6.
Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, không ít doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước nguy cơ rơi vào phá sản |
Trong khi đó, tờ Tiền phong ngày 22/8 đưa thông tin: Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt.
Bài báo dẫn thông tin từ ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, đơn vị này vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ chối bản giải thích của gần 40 doanh nghiệp sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm của Việt Nam cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm với lý do các doanh nghiệp nộp bản giải thích muộn. Do đó, DOC yêu cầu các doanh nghiệp chủ động gỡ bỏ hoặc xóa các tập tài liệu đã nộp trên hệ thống.
Khảo sát nhanh 52 doanh nghiệp ngành gỗ do VIFOREST vừa thực hiện cho thấy, trong 45 doanh nghiệp xuất đi Mỹ, hiện có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Với tình hình thị trường như hiện nay, VIFOREST nhận định xuất khẩu gỗ của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm và khó đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD.
“Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ rơi vào phá sản. Chỉ còn mấy ngày để các doanh nghiệp nộp lại bản giải thích, bình luận. Chúng tôi đang gấp rút hỗ trợ các doanh nghiệp để tham gia điều trần với phía Mỹ, bởi thực sự chúng ta bị oan. Có doanh nghiệp thấy phức tạp bắt đầu nản, nhưng chúng tôi khuyên không nên bỏ cuộc vì còn nước còn tát”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Không chỉ ngành gỗ đứng trước khó khăn, tờ VnEconomy có bài: Nhiều đơn hàng xuất khẩu dệt may đi Mỹ bị hủy do tồn kho nhiều, lạm phát cao.
Theo bài báo, các doanh nghiệp lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho quý II/2022, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các đơn đặt hàng trong quý IV/2022 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.
Dự báo, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua. Nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.
Liên quan đến giá xăng dầu, tờ Lao động có bài: Giá xăng dầu hôm nay 22/8: Lao dốc phiên đầu tuần.
Bài báo nhận định, hôm nay sẽ đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ của Liên bộ Công Thương - Tài chính. Trao đổi với Lao động, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại Hà Nội cho biết, theo số liệu ngày 18/8, giá xăng RON 95 tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 300 đồng/lít; xăng E5RON92 cao hơn 320 đồng mỗi lít; giá dầu cao hơn khoảng 940-970 đồng/lít.
Chính vì vậy, rất có thể giá xăng sẽ đứng yên nếu nhà chức trách chi sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, hoặc tăng nhẹ nếu trích lập Quỹ Bình ổn. Còn giá dầu sẽ tăng khá mạnh, khoảng 900 đồng mỗi lít.
Hiện tại, giá bán các loại xăng dầu trong nước áp dụng theo mức giá mới được điều chỉnh từ 15h ngày 11/8.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 về 23.720 đồng (giảm 900 đồng), xăng RON 95-III là 24.660 đồng (giảm 940 đồng) một lít. Dầu diesel về 22.900 đồng một lít, sau khi giảm 1.000 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 23.320 đồng/lít, giảm 1.210 đồng, dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước.