Thứ tư 25/12/2024 21:07

Công đoàn tham gia giám sát trả lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động

Đã có một số doanh nghiệp công bố tiền thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động. Các cấp công đoàn sẽ tham gia với cơ quan chức năng nắm bắt tình hình.

Dự báo mức thưởng không thấp hơn năm 2024

Công ty Cổ phần May Sông Hồng (Nam Định) đã công bố chính sách thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cho hơn 12.000 lao động, với mức 2 tháng lương bình quân và thưởng theo vị trí việc làm. Mức thưởng theo vị trí việc làm được thực hiện trở lại sau khi đã cắt, giảm vào năm ngoái, được kỳ vọng sẽ giữ chân lao động dịp cuối năm.

Hay Công ty May Đồng Phú Cường (Đồng Nai) cũng vừa công bố kế hoạch thưởng Tết Ất Tỵ 2025 với mức thưởng bình quân 12 triệu đồng/người.

Dự kiến mức tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 không thấp hơn năm ngoái. Ảnh minh họa

Tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai), công đoàn đang họp với lãnh đạo công ty bàn về việc thưởng Tết để sớm công bố đến người lao động. Theo chính sách thưởng Tết đã được xây dựng trong thỏa ước lao động, năm nay, Công ty TNHH Changshin Việt Nam vẫn áp dụng chính sách thưởng Tết như năm trước với mức thưởng 1 tháng lương cho người lao động làm việc đủ 1 năm. Lao động làm việc từ trên 1 năm sẽ được thưởng thêm 5%/năm, mức thưởng cao nhất là 2 tháng lương/lao động.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho biết sang đầu tháng 12/2024 sẽ công bố mức thưởng Tết Nguyên đán 2025. Dựa trên kết quả kinh doanh cả năm 2024, dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 tương đương với năm ngoái, thậm chí tăng nhẹ. Chậm nhất ngày 22/1/2025, người lao động sẽ nhận tiền thưởng Tết.

Ghi nhận tại Bắc Ninh và Bắc Giang, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hai địa phương này, đến nay tỉnh chưa có thông tin về việc thưởng Tết. Đến tháng 12/2024, các doanh nghiệp mới báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025.

Tuy nhiên năm 2024, Bắc Ninh nằm trong nhóm các địa phương có mức thưởng Tết cao của cả nước, trong đó người cao nhất là 390 triệu đồng. Mức thưởng bình quân trong các doanh nghiệp 6,71 triệu đồng/người, cao nhất vẫn nằm trong khối doanh nghiệp FDI là 390 triệu đồng (cao hơn năm 2023 là 10 triệu đồng).

Là địa phương có nhiều điểm tương đồng với Bắc Ninh về phát triển công nghiệp, Tết Nguyên đán năm 2024, Bắc Giang có 311 doanh nghiệp thưởng Tết cho hơn 178.000 lao động, với mức bình quân hơn 6,6 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất hơn 146 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/người.

Còn tại Hà Nội, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đối với khối công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng tết Nguyên đán bình quân 3,1 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất 20 triệu đồng/người, thấp nhất 500.000 đồng/người; khối công ty cổ phần có góp vốn chi phối của nhà nước, bình quân đạt 3,3 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất 29,8 triệu đồng/người và thấp nhất 500.000 đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh, bình quân 3,5 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng tết cao nhất là 90 triệu đồng/người và thấp nhất 500.000 đồng/người.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội – cho biết, năm 2024 dù kinh tế khởi sắc, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, song vẫn còn khó khăn, do đó dự báo thưởng Tết Nguyên đán 2025 khó cao. Tuy nhiên, qua nắm bắt các doanh nghiệp đều cho biết cố gắng duy trì thưởng Tết để giữ chân người lao động.

Qua báo cáo gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An. Mức thưởng bình quân 6,85 triệu đồng/người.

Bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động

Để bảo đảm quyền lợi người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lên phương án tính toán, cân đối lo thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho đoàn viên, người lao động.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12/2024.

Cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận; xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 theo quy định của Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Trong kế hoạch về tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - yêu cầu các công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày; giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết; tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động quay lại làm việc sau nghỉ Tết để tiếp tục lao động sản xuất tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Công đoàn các cấp chủ động tham gia với cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện việc trả lương, trả thưởng cho đoàn viên, người lao động dịp Tết; kịp thời phát hiện và có giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản; tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết…

Các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương, doanh nghiệp…

Là địa bàn có đông khu công nghiệp và công nhân lao động, trong kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội yêu cầu: Các công đoàn cơ sở giám sát, đề nghị chủ sử dụng lao động công khai phương án lương, thưởng Tết trước kỳ nghỉ Tết, ít nhất 30 ngày. Công đoàn các cấp báo cáo thống kê tình hình trả lương, thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trước ngày 6/1/2025.

Định kỳ trước 16h thứ Sáu hàng tuần (từ ngày 22/11/2024 - 14/1/2025) báo cáo tình hình ngừng việc tập thể, đơn vị, doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, không có thưởng Tết, tình hình thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các đơn vị, doanh nghiệp. Trước 14h hàng ngày (từ ngày 2/2 - 8/2/2025) báo cáo tình hình đoàn viên, người lao động quay lại đơn vị, doanh nghiệp làm việc sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 về Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội.

Theo quy định tại Bộ luật lao động, việc thưởng cho người lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động. Căn cứ chung để xác định tiền thưởng cho người lao động là kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của người sử dụng lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Tuy nhiên, nhằm tạo động lực cho người lao động phấn đấu sản xuất, gắn bó với đơn vị nên dù còn gặp khó song nhiều đơn vị vẫn nỗ lực bảo đảm lương và thưởng Tết cho người lao động. Cũng có trường hợp, tiền thưởng của người lao động sẽ được thỏa thuận ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động của hai bên.

Riêng vấn đề tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ nhằm một mặt bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, mặt khác tránh tình trạng lợi dụng để tham nhũng, lãng phí, chi tiêu tài chính không hợp lý.

Theo giới chuyên gia, dù không bắt buộc nhưng tiền thưởng có tác dụng kích thích mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động; bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực trả lương…Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: Người lao động

Tin cùng chuyên mục

TikTok Shop thúc đẩy chiến dịch GreenUP với hoạt động tham quan nhà máy Canifa

Từ năm 2025 sẽ xử phạt người hút thuốc lá điện tử?

Xe đạp igus:bike làm từ nhựa tái chế đến Việt Nam trong hành trình vòng quanh thế giới

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/12/2024: Giữa và Nam Biển Đông có mưa bão

Nhân sự 24/12: Bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội

Dự báo thời tiết hôm nay 25/12/2024: Bắc Bộ rét đậm, Nam Bộ và Tây Nguyên nắng gián đoạn

Bão số 10 di chuyển chậm, gây mưa lớn cho Nam Bộ

Hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao

Thắp sáng niềm tin đến người dân khu tái định cư Làng Nủ

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề, tin học, ngoại ngữ

Chi trả lương hưu, trợ cấp qua tài khoản cá nhân phát triển vượt bậc

Kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn: Tạo động lực đầu tư cho doanh nghiệp

Gia Lai: Các nhà vườn trồng mai tất bật xuống lá để kịp hàng đón Tết

Hội đàm công tác biên phòng 4 tỉnh biên giới của Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc)

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Ngành y tế còn nhiều khó khăn cần vượt qua trong năm 2025

Dự báo đường đi của bão số 10, sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Nhân sự 23/12: Tỉnh ủy Phú Thọ, Sơn La, Đồng Nai triển khai quy trình về công tác cán bộ

Dự báo thời tiết biển hôm nay 24/12/2024: Tây Bắc quần đảo Trường Sa có mưa bão

Dự báo thời tiết hôm nay 24/12/2024: Bắc Bộ ngày nắng, Trung Bộ mưa lớn cục bộ

Sẽ chi trả gộp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và 2/2025 trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ