Nhiều vấn đề cần quan tâm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum |
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum nhận định, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình đất nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức.
Đặc biệt là giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã làm tất cả và hơn thế nữa trong quá trình này.
Nửa nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ban hành 37 luật, nghị quyết, làm cơ sở cho Chính phủ ban hành khoảng 264 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 71 quyết định, đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã bình tĩnh, tự tin tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chống dịch như chống giặc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng, vẫn duy trì được sự tăng trưởng, năm 2021 tăng trưởng 2,56%, trong khi một số nước tăng trưởng âm. Năm 2022 tăng trưởng 8,02%, dự kiến năm 2023 khoảng trên 5%.
Theo đại biểu đoàn Kon Tum, kinh tế phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, về mặt xã hội đang có những vấn đề đặt ra đáng quan tâm, đó là sự bất bình đẳng trong đời sống và thu nhập, thể hiện sự chênh lệch thu nhập mức sống giữa các tầng lớp lao động và dân cư.
Một số liệu cho thấy mức chênh lệch giữa các nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất của năm 2014 là 9,7 lần; năm 2018 là 10 lần; năm 2020 là 8 lần và năm 2023 là cũng 8 lần. Nếu số liệu này là đúng cho thấy sự chênh lệch này khá ổn định và việc chúng ta rút ngắn khoảng cách này cũng diễn ra tương đối chậm.
Sự chênh lệch này cũng xảy ra giữa các vùng miền, nhất là giữa thành thị, các vùng khác và vùng nông thôn, miền núi. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vẫn rất khó khăn, tỷ lệ nghèo, cận nghèo thuộc vào dân tộc thiểu số vẫn còn cao.
Lo ngại đạo đức, lối sống xuống cấp
Ông Tô Văn Tám cũng nêu, về mặt đạo đức, lối sống, có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. Qua những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế, trong đó có nhiều người đã và đang chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận lại nằm trong số một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Hay như, sự ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, bạo lực nơi công cộng.
Đây là vấn đề không mới, nhưng điều người dân bức xúc và lo ngại là tính chất phức tạp, tinh vi, manh động, nguy hiểm của hành vi và hậu quả đau lòng của nó. Có nhiều vụ án, nhiều trường hợp xảy ra là người thân trong gia đình, anh em, con, bố con đánh nhau, giết nhau, rồi bạn bè tàn hại lẫn nhau…
"Có ý kiến cho rằng tâm trạng một bộ phận xã hội mong kinh tế như hôm nay, còn đạo đức như ngày xưa. Nghe có vẻ phi lý và chưa có đủ cơ sở để xem đó có phải là tâm trạng một bộ phận xã hội hay không nhưng cũng là điều cần quan tâm, đánh giá" - đại biểu nói.
Đại biểu đoàn Kon Tum cho hay, nếu bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì đạo đức hay sự xuống cấp của đạo đức, lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả các hoạt động của con người trong chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đó cũng đặt trong tổng thể này.
"Chính phủ đã nhìn nhận rõ vấn đề, đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả" - đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần quan tâm một số nội dung.
Một là, trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự chênh lệch về mức sống và thu nhập là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là cần đánh giá mức chênh lệch đó đang ở mức nào, đã dẫn đến nguy cơ xung đột xã hội hay chưa để có giải pháp xử lý sao cho khoảng cách thu nhập ở mức thích hợp để cho kinh tế vẫn tăng trưởng, xã hội vẫn ổn định và phát triển.
Hai là, hoàn thiện cơ chế tạo ra sự tiếp cận bình đẳng. Người dân không bất bình với sự làm giàu và đang tích cực làm giàu chính đáng, chỉ phẫn nộ và bất bình với sự làm giàu bất chính, tham nhũng, tiêu cực mà thôi.
Ba là, thực hiện không ai bị bỏ lại phía sau nhưng cũng tạo điều kiện để thúc đẩy, khuyến khích sự tự tin, tự vươn lên của những ai đang ở phía sau.
Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức, lối sống và công tác tuyên truyền về đạo đức, lối sống, củng cố, phát huy các thiết chế xã hội cơ sở trong việc giám sát, điều chỉnh, uốn nắn, nuôi dưỡng đạo đức cá nhân.
Năm là, trong điều kiện chuyển đổi kinh tế - xã hội, có một số giá trị truyền thống đang bị đứt gãy. Bởi vậy, cần đề nghị giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, định hướng, hoàn thiện các giá trị đạo đức mới.