Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: Nguy cơ tái nghèo cao |
Cần làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành chủ trì các Chương trình MTQG
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - đoàn Tây Ninh đề nghị, xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy- đoàn Tây Ninh |
Đại biểu Hoàng Thanh Thúy cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, ngoài nêu cụ thể 3 ngành chủ trì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp ở các địa phương”.
Đại biểu cho biết, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.
Về giải pháp đề ra, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.
Đại biểu cũng nhấn mạnh: "Trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiện mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất."
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh- đoàn TP. Đà Nẵng |
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh - đoàn TP. Đà Nẵng cho rằng, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa chặt chẽ. Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2023, Quốc hội đã ưu tiên nhiều nguồn lực cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực triển khai các Chương trình này.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn còn chậm. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khung cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, bộ máy chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn chưa có sự thống nhất, chưa phát huy hết trách nhiệm của các chủ thể, các địa phương còn bị động, lúng túng, thiếu quyết liệt, còn tâm lý sợ sai trong triển khai thực hiện…
Đại biểu đề nghị nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, kịp thời tham mưu ban hành sửa đổi các cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tránh chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương, vai trò của các cơ quan chủ quản trong việc tham mưu, phối hợp, điều phối, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo trả lời các thắc mắc, kiến nghị của người dân một cách kịp thời, rõ ràng.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong thực hiện, triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Có muốn cũng không thể làm được
"Không phải địa phương không muốn làm, mà làm không được"- đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến- đoàn Điện Biên trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/10 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu cho rằng vấn đề triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chậm không phải là không muốn làm mà vướng cơ chế, chính sách nên "làm không được".
Đại biểu Lò Thị Luyến - đoàn Điện Biên |
Đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ nhất trí cao về các nội dung được đánh giá trong Báo cáo của Đoàn giám sát. Báo cáo đã phản ánh đầy đủ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình trong thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc được chỉ rõ, những kiến nghị, đề xuất của các địa phương được ghi nhận.
Đại biểu cũng nhất trí với đề xuất giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời bày tỏ nhất trí rất cao với 7 nội dung Chính phủ trình Quốc hội, những nội dung này đều vượt thẩm quyền của Chính phủ. Nếu những khó khăn, vướng mắc từ thực tế tổ chức thực hiện ba chương trình được tháo gỡ bằng một nghị quyết của Quốc hội quy định về cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, mục tiêu và hiệu quả của Chương trình sẽ đạt được; các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ nghị quyết này của Quốc hội....
Về khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định 38 năm 2023, đại biểu cho biết, thực tế khó khăn của địa phương chưa được đề cập mới phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó, thời điểm Đoàn giám sát trực tiếp tại địa phương, một số nội dung của Nghị định 38 chưa được triển khai do Nghị định mới ban hành tháng 6/2023.
Cụ thể, về giống vật nuôi theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 38, Chính phủ quy định ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi là những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại Giấy biên nhận mua bán với người dân.
Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định này chưa thật sự rõ ràng, dễ dẫn đến hiệu quả rủi ro về mặt pháp lý cho người thực hành công vụ. Để thống nhất quan điểm về nhận thức trong tổ chức thực hiện, tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề xuất theo hướng cho phép đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án bảo đảm quy định về nguồn gốc sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh ban hành.
Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng. "Nội dung này được Cục Chăn nuôi trả lời rằng, địa phương cần xem xét, cân nhắc lựa chọn phương án cung giống, cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi."- đại biểu Lò Thị Luyến thông tin.