Có thể thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo đối với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo
Vi phạm này gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực nhưng hiện chưa có chế tài đủ sức răn đe. Theo Bộ Công Thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định trường hợp thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định không được hưởng các chính sách như tham gia các chương trình xúc tiến, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ở trong nước và ngoài nước, không được phân bổ chỉ tiêu thực hiện các hợp đồngxuất khẩu gạo tập trung hay tham gia chương trình mua thóc, gạo tạm trữ của Nhà nước.
Tuy nhiên, chế tài này không mang tính răn đe đối với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo do: xuất khẩu gạo tập trung không còn nhiều; chương trình tạm trữ của Nhà nước không có; kinh phí dành cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia còn ít chưa mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Thương nhân xuất khẩu gạo phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định |
Việc thiếu báo cáo này theo Bộ Công Thương này sẽ khiến cơ quan quản lý bị động về thông tin số liệu dẫn tới khó khăn trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo. Vì vậy mà cần quy trách nhiệm của thương nhân không thực hiện theo quy định.
Cụ thể, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung chế tài đối với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT là: thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Bộ Công Thương cho rằng, phương án này có ưu điểm giúp cơ quan quản lý có nguồn dữ liệu thông tin kịp thời phục vụ công tác tham mưu điều hành xuất khẩu gạo của các Bộ, ngành. Mặt khác, lựa chọn phương án này phù hợp với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2015/KL-TTCP ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo. Giải pháp này không phát sinh chi phí đối với doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên... Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Các chế tài đã nêu tại Nghị định 107 không đủ sức răn đe. Do đó, cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành. Các thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, xuất khẩu...), vì vậy, thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo đặc biệt tại thời điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Hiện các văn bản liên quan cũng chưa nêu rõ chế tài đối với hành vi này.
Tình trạng thương nhân không thực hiện báo cáo theo quy định đã được Bộ Công Thương báo cáo trong quá trình làm việc với Đoàn Thanh tra Chính phủ năm 2020.
Tại văn bản số 2015/KL-TTCP ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ kiến nghị: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐCP, trong đó lưu ý: Quy định chế tài xử lý để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các cơ quan liên quan thực hiện báo cáo để kịp thời phục vụ cho việc điều hành xuất khẩu gạo”. Do đó, Bộ Công Thương bổ sung chế tài vào dự thảo Nghị định 107/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung.