Có thể “nghẽn mạng” khi thực hiện sinh trắc học trong thanh toán
Thời hạn phải thực hiện xác thực sinh trắc học khi giao dịch chuyển tiền online từ 10 triệu đồng trở lên đang đến rất gần. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn, vướng mắc mà ngành ngân hàng và các cơ quan liên quan đang tập trung phối hợp tháo gỡ.
Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, quy định: đối với các giao dịch chuyển tiền giá trị trên 10 triệu đồng, khách hàng đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.
Tại Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng, Quyết định 2345 có mục tiêu là đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Đồng thời là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng.
Được biết, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã có tỷ lệ đăng ký xác thực sinh trắc học cao như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, MSB… hiện số lượng khách hàng đã đăng ký nhận diện sinh trắc học chiếm tỷ lệ lớn.
Các ngân hàng lo ngại “nghẽn mạng” khi thực hiện sinh trắc học trong thanh toán |
Theo ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hội đồng VNBA, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345, các tổ chức ngân hàng - tài chính và trung gian thanh toán cần thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp.
Cụ thể, đối với khách hàng mới, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần thu thập thông tin sinh trắc học đủ 2 bước là xác thực khuôn mặt và so khớp với dữ liệu của Bộ Công an. Đối với khách hàng hiện hữu, phải gấp rút kiểm tra tính đầy đủ của dữ liệu, nhanh chóng cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận. Song song với đó, các giải pháp xác thực sinh trắc học phải dễ sử dụng, dễ tích hợp trên các thiết bị như di động, máy tính hoặc tại quầy, để đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng.
“Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua căn cước công dân gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC” - ông Trần Văn Tần nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tần, một số tổ chức tín dụng còn khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý dữ liệu, chi phí triển khai… Các ngân hàng cũng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng. “Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào ngày 1/7, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng” - ông Trần Văn Tần lưu ý.
Phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng |
Đồng quan điểm này, ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ VNBA - thông tin thêm, qua tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng khi triển khai Quyết định 2345 chủ yếu liên quan đến giải pháp kỹ thuật. Trong đó, việc áp dụng công nghệ NFC để đọc dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip gặp nhiều khó khăn do thiết bị của nhiều khách hàng chưa hỗ trợ NFC và tỷ lệ đọc căn cước công dân thành công còn thấp. Giải pháp là sẽ thực hiện hỗ trợ xác thực tại quầy hoặc sử dụng xác thực tài khoản VNeID cấp độ 2. “Chưa có tiêu chuẩn công nghệ cho các giải pháp xác thực sinh trắc học trên thị trường dẫn đến trải nghiệm không đồng nhất giữa các tổ chức. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn liên quan đến chi phí triển khai, trải nghiệm của khách hàng, thời gian triển khai…” - ông Lân nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm thông tin về sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai Quyết định 2345, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) - cho biết, thời gian qua Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã luôn luôn song hành, đồng hành cùng các ngân hàng nhằm mục tiêu bảo vệ tài sản cho người dân. Với nền tảng của căn cước công dân, định danh điện tử, việc triển khai sinh trắc học sẽ triển khai thuận lợi. Đề nghị các ngân hàng đã ký kết với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như Ngân hàng nhà nước để chuẩn bị những ứng phó, những giải quyết tình huống sau ngày 1/7. Cụ thể, giai đoạn đầu cần thành lập những tổ ứng phó ngay tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như tại các ngân hàng với các thiết bị sẵn sàng xác thực để có thể phục vụ người dân giao dịch thuận lợi nhất. Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ đắc lực nhất để cùng các ngân hàng thực hiện hiệu quả Quyết định 2345.
Để đảm bảo triển khai tốt nhất các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước - bày tỏ: Các tổ chức tín dụng, trung tâm trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai công nghệ anti-deepfake để chống các đối tượng lừa đảo giả mạo khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản, đảm bảo khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp.