Cơ hội "vàng" quảng bá sản phẩm
Hàng Việt Nam sản xuất được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn |
Nâng cao thương hiệu doanh nghiệp
Năm 2018, Chương trình Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích do Sở Công Thương TP. Hà Nội phát động đã nhận được 9.500 lượt bình chọn online, tăng hơn 2 lần so với năm 2017. Có 2.500 phiếu bình chọn trực tiếp tại các điểm công cộng với gần 40.000 lượt bình chọn sản phẩm, tăng 2,5 lần so với năm 2017. 197 sản phẩm, dịch vụ của 74 DN đã đăng ký tham gia vào 12 nhóm hàng để người tiêu dùng bình chọn. Sau hơn 1 tháng, căn cứ kết quả bình chọn của người tiêu dùng và Ban giám khảo, 133/197 sản phẩm đã được Ban Tổ chức tôn vinh trong Lễ công bố kết quả diễn ra ngày 9/11/2018 tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ.
Nhằm tiếp tục lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của DN Việt để người tiêu dùng bình chọn, tôn vinh; đồng thời giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm Việt Nam tốt, uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, năm 2019, chương trình tiếp tục lựa chọn sản phẩm tiêu biểu của DN Việt để người tiêu dùng bình chọn. Các nhóm ngành được triển khai để người tiêu dùng bình chọn gồm: Ngành hàng tiêu dùng; sản phẩm công nghiệp; xây dựng - trang trí nội thất; dược phẩm - hóa mỹ phẩm; giáo dục - đào tạo; thủ công mỹ nghệ; hàng nông sản thực phẩm; dịch vụ ngân hàng; du lịch; vận chuyển; truyền thông tiêu dùng.
Điểm mới của chương trình năm nay là quy chế chấm điểm được tăng thêm tiêu chí về "Mẫu mã, bao bì", nâng tổng số tiêu chí đánh giá sản phẩm bình chọn của các DN lên 14 tiêu chí và mỗi DN chỉ được đăng ký tối đa 3 sản phẩm bình chọn với Ban Tổ chức. Cùng với chương trình bình chọn, "Hội chợ Hàng Việt TP. Hà Nội năm 2019" với chủ đề "Chung tay xây dựng thương hiệu Việt" sẽ diễn ra từ ngày 26 - 30/9 tại Quảng trường Sân vận động thị xã Sơn Tây.
Hiệu quả lớn từ chương trình
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, Chương trình Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích là điểm nổi bật của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) TP. Hà Nội trong những năm qua. Hội chợ hàng Việt là sự kiện diễn ra thường niên qua các năm. Trên cơ sở các sản phẩm của DN tham gia hội chợ, Ban tổ chức lựa chọn sản phẩm phù hợp với tiêu chí đưa ra, bình chọn sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích.
Thực tế, triển khai CVĐ, TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, khích lệ DN nhìn nhận lại khoảng thời gian đã bỏ trống thị trường nội địa. Lãnh đạo DN nhìn nhận, cần có sản phẩm tốt để phục người tiêu dùng trong nước - thị trường được nhiều nước thế giới đang mơ ước, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Cũng từ đó, nhiều DN trong nước đã khẳng định vị trí thị trường, chiếm lĩnh thị trường nội địa, gây được niềm tin cho người tiêu dùng Việt. Từ việc sản phẩm đứng vững sân nhà, các DN có điều kiện phát triển ra thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng với đó, người tiêu dùng đã nâng cao được lòng tự tôn, tự hào dân tộc, quan tâm nhiều hơn, ưu tiên sử dụng và khuyến khích người thân sử dụng hàng Việt. Cơ quan quản lý nhà nước rà soát chính sách, quan tâm đến DN nhiều hơn, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại.
Thành công của CVĐ nói chung và Chương trình Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nói riêng là hàng hóa do các DN trong nước sản xuất đã có vị thế, được người tiêu dùng lựa chọn. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, qua 10 năm thực hiện CVĐ, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường; trong đó, trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn bảo đảm đạt trên 70%.
Còn theo kết quả cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm của các DN trong nước hiện chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 89% và 93%. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - nhận định: Hiện nay, yếu tố chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tính an toàn khi sử dụng đang được quan tâm; sau đó là các yếu tố như thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình thực hiện, vẫn còn một số quận, huyện, nhất là các huyện, ngoại thành chưa thực sự quan tâm, sát sao trong việc triển khai CVĐ. Một số DN chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tồn tại. Do đó, TP. Hà Nội đã chỉ đạo Ban chỉ đạo các cấp phải sát sao hơn trong việc hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Quan trọng hơn, các quận, huyện, thị xã phải coi đây là quyền lợi, cơ hội "vàng" để quảng bá sản phẩm có thế mạnh của địa phương, để từ đó có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm hơn.
Hiện, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn thói quen "sính ngoại". Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, tâm lý này cũng không còn là rào cản đối với sản phẩm, dịch vụ của các thương hiệu Việt, khi nhà sản xuất đã chú tâm nghiên cứu nhu cầu khách hàng, nỗ lực tạo ra hàng hóa với chất lượng ngày càng tốt hơn cả về mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm. Để người Việt Nam không những ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đòi hỏi các DN phải có chiến lược phát triển kinh doanh, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Đây cũng chính là giải pháp cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh nước ta đang tham gia thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Những thương hiệu Việt đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng đều bắt nguồn từ mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, trung thực, tôn trọng khách hàng. |