Cuộc thi sáng chế là hoạt động được WIPO và KIPO phối hợp với Cơ quan sở hữu trí tuệ của các quốc gia kém phát triển và đang phát triển tổ chức thường xuyên nhằm mục tiêu thúc đẩy sáng tạo, tạo ra các giải pháp kỹ thuật hữu ích để cải thiện cuộc sống của cộng đồng ở các quốc gia đó.
Tại Việt Nam, tiếp theo thành công của hai cuộc thi năm 2013 và năm 2014, cuộc thi này tiếp tục được tổ chức vào năm 2018. Cuộc thi được bắt đầu khởi động từ tháng 8/2018 và kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 31/1/2019, sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 212 hồ sơ dự thi, nhiều hơn so với năm 2013 (146 hồ sơ) và 2014 (176 hồ sơ), đến từ 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung vào các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, hóa dược, sinh học, y dược và môi trường, bản quyền phần mềm.
Theo đó, 10 hồ sơ có số điểm cao nhất được vào vòng chung khảo là những giải pháp đã được các hội đồng sơ khảo đánh giá và lựa chọn kỹ theo yêu cầu của cuộc thi sáng chế. Tiêu biểu, như giải pháp “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Quy từ TP.Hồ Chí Minh; giải pháp “Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp này” của tác giả Nguyễn Thị Hương Liên, Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Hà Nội.
Hay, giải pháp “Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháo hoặc còi cảnh báo cho các đoạn đường ngập nước” của tác giả Nguyễn Đức Thành, Bắc Giang; giải pháp “Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá học liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đổ giảm lũ quét và bùn đá” của tác giả Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trần Quốc Thưởng, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Hùng, Giang Thư, Tô Vĩnh Cường, Hà Nội; giải pháp “Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tự tưới cho cây” của nhóm tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc - Nguyễn Vĩnh Sơn, TP. Hồ Chí Minh….
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, cuộc thi là cơ hội rất tốt cho các tác giả sáng chế có thể quảng bá, tăng cường hợp tác, thương mại hóa, đưa sáng chế ra nước ngoài. Bên cạnh đó, thông qua cuộc thi, hoạt động sáng chế, sáng tạo và đăng ký sáng chế cũng được đẩy mạnh, lượng đơn sáng chế của người Việt Nam nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ gia tăng theo các năm. “Cuộc thi này đã có sức lan tỏa và nhận được sự quan tâm của cộng đồng, góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam” - ông Phan Ngân Sơn nói.