Cô gái ‘‘xương thủy tinh’’ truyền cảm hứng cho người khuyết tật
Nỗ lực vượt lên số phận
Người mà tôi muốn nhắc đến ở đây chính là Nguyễn Thị Thu Thương - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade. Với chiều cao chỉ vẻn vẹn 80cm, cân nặng chỉ chưa đầy 20 kg, lại mắc bệnh xương thủy tinh không thể tự đi lại trên đôi chân của mình mà phụ thuộc vào chiếc xe lăn, nhưng Nguyễn Thị Thu Thương vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống mình hòa nhập cuộc sống.
Vị khách du lịch đến từ Philippenes (thứ 3 từ trái sang) đến thăm Thương Thương Handmade (Ảnh: Thương Thương Handmade) |
Sinh năm 1983 tại Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Thương không may mắn như nhiều người, bởi mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, cô không thể đi lại được bằng đôi chân của mình, cũng không thể ngồi dậy để làm những công việc đơn giản, mà suốt ngày phải nằm trên chiếc xe lăn giống như một em bé vài tháng tuổi. Nhưng lần nào gặp Nguyễn Thị Thu Thương, tôi cũng thấy cô ấy tự tin và tràn đầy năng lượng, tràn đầy tình yêu với cuộc sống.
Tôi đã từng chứng kiến cô gái nhỏ bé này cất lên giọng hát ở giữa hội trường hàng trăm khán giả trước sự bất ngờ của rất nhiều người. Thương từng tâm sự với tôi: Bản thân sinh ra không may mắn có được một cơ thể bình thường như nhiều người khác, nhưng Thương luôn mong muốn có một cuộc sống bình thường giống như bao nhiêu người khác, đó là có một công việc ổn định để có thể lao động nuôi sống bản thân, có thể phụng dưỡng bố mẹ khi tuổi già và hỗ trợ cho những người kém may mắn giống như mình.
Khách du lịch nước ngoài ghé thăm Thương Thương Handmade khi đến Hà Nội (Ảnh: Thương Thương Handmade) |
Với suy nghĩ đó, năm 2003, khi tròn 20 tuổi, Thương quyết định đi học nghề trước sự ngăn cản của bố mẹ và những người xung quanh, vì lo lắng và sợ con gái vất vả, không đủ sức khỏe để theo học. Nhận thấy bản thân hạn chế về nhiều thứ, nên Nguyễn Thị Thu Thương chọn học nghề thủ công mỹ nghệ.
Nhờ vào sự quyết tâm, đam mê với sự lựa chọn và nỗ lực không ngừng của mình, chỉ sau một thời gian ngắn học nghề, Thương đã có thể tự làm ra những sản phẩm thủ công đầu tiên bằng chính sự cần mẫn của mình, sản phẩm của cô là những tấm bưu thiếp, những bức tranh hoa lá, bức tranh đồng quê hay phố phường đầy màu sắc. Rồi cũng với nỗ lực vượt lên số phận, cô gái này lại tự mày mò, tìm cách bán những sản phẩm mình làm ra để có tiền trang trải cuộc sống và tích lũy.
Với những người khuyết tật không đi lại được như Thương, có được một cái nghề để nuôi sống bản thân đó đã là thành công ngoài mong đợi. Nhưng Nguyễn Thị Thu Thương thì không nghĩ như vậy, bởi mục tiêu của cô không chỉ đơn giản là lo được cho bản thân mình, mà còn mong muốn giúp đỡ được những người xung quanh, những người sinh ra có hoàn cảnh kém may mắn giống như mình. Bởi suy từ chính bản thân mình ra, Thương biết và hiểu rất rõ rằng, những người khuyết tật họ thiệt thòi và rất thiếu tự tin vào bản thân mình, đặc biệt, họ càng trở nên tự ti hơn khi không có việc làm, phải sống dựa vào người khác, trở thành gánh nặng cho người khác.
Sản phẩm của Thương Thương Handmade (Ảnh: Thương Thương Handmade) |
Với suy nghĩ đó, Thương tập hợp một số bạn khuyết tật, dạy nghề cho họ rồi nhận việc để họ cùng làm với mình. Thương mong muốn, một ngày nào đó sẽ thực hiện được ước mơ thành lập công ty dạy nghề cho người khuyến tật, kém may mắn trong cuộc sống và sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch hay những đơn vị có nhu cầu trên khắp đất nước Việt Nam, giúp những người khuyết tật có được cuộc sống ổn định, xa hơn nữa là đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới.
Mãi 10 năm sau nuôi ước mơ, đến năm 2013, khi vinh dự được trở thành khách mời trong sự kiện Nick Vujicic (chàng trai khuyết tật không chân, không tay người Australia) sang Việt Nam. Chứng kiến những thành công của Nick Vujicic, Nguyễn Thị Thu Thương càng có thêm quyết tâm, thôi thúc mình phải thực hiện bằng được ước mơ và Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade đã ra đời từ đó. Cô mong muốn, công ty sẽ là “điểm đến” để những người khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống có thể học nghề để tự nuôi sống bản thân và tìm thấy niềm vui, những điều ý nghĩa của cuộc sống.
Truyền cảm hứng cho những người kém may mắn
Sau gần 11 năm thành lập (2013-2024), Thương Thương Handmade đã đào tạo nghề cho khoảng hơn 100 học viên, họ đều là những người khuyết tật đến từ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, có khi là những người đang mắc bệnh phải điều trị, nhưng tất cả họ đều có chung một mong muốn là có công việc ổn định để không trở thành gánh gặng của người thân, thậm chí có thể hỗ trợ gia đình khi cần thiết.
Tại đây, những người khuyết tật không chỉ được đào tạo làm về thủ công mỹ nghệ, để tự tay làm ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt, mà còn được Nguyễn Thị Thu Thương chia sẻ về hành trình, truyền nghị lực để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Kết thúc khóa học tại trung tâm, nhiều người khuyết tật đã có được công việc ổn định, có thể nuôi sống bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống.
Nhiều học viên sau khi học xong đã làm việc tại Thương Thương Handmade (Ảnh: Thương Thương Handmade) |
Một số học viên sau khi học xong có nhu cầu sẽ được ở lại làm việc cho Thương Thương Handmade. Nhờ đó, đến nay doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng gần 20 lao động, họ là những người khuyết tật, người mắc bệnh phải chạy thận. Sức khỏe không tốt, nhưng thu nhập bình quân mỗi tháng cũng được từ 4-5 triệu đồng mỗi người, tùy vào thời gian làm việc và sản phẩm làm ra.
Sản phẩm của Thương Thương Handmade do những người khuyết tật sản xuất ra cũng được bán tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và được nhiều tổ chức trong và ngoài nước mua về làm quà tặng, quà lưu niệm cho khách hàng của mình. Sản phẩm của Thương Thương Handmade ngày càng đa dạng, không chỉ là những tấm bưu thiếp, bức tranh về hoa lá, phong cảnh thủ đô Hà Nội, Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới, hay những sản phẩm làm theo yêu cầu để phục vụ cho các sự kiện riêng của khách hàng.
Trong số những đối tác của Thương Thương, có rất nhiều các doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan nhà nước như: Tôn Hoa Sen; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư… họ đến với Thương Thương bên cạnh sự tin yêu, họ còn ngưỡng mộ người giám đốc doanh nghiệp đầy nghị lực, biết vượt lên số phận để trở thành người có ích cho xã hội.
Đặc biệt, có rất nhiều khách du lịch người nước ngoài khi đến Hà Nội, họ đã tìm đến cơ sở của Nguyễn Thị Thu Thương, mục đích đơn giản không phải để tìm mua sản phẩm về làm quà lưu niệm, mà muốn được tận mắt nhìn thấy cô gái nhỏ bé mà lúc nào cũng tràn đầy nghị lực sống. Họ muốn được truyền những năng lượng tích cực từ cô bé mắc bệnh xương thủy tinh mang tên Nguyễn Thị Thu Thương.
Nguyễn Thị Thu Thương bên tác phẩm do Thương Thương Handmade làm ra (Ảnh: Thương Thương Handmade) |
Những nỗ lực của cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương đã được nghi nhận bằng những bằng khen, danh hiệu như: Danh hiệu Anh hùng thầm lặng do Microsoft Việt Nam trao tặng; Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì đã phấn đấu vươn lên đạt thành tích trong lao động sản xuất; Danh hiệu Người tốt việc tốt do UBND TP. Hà Nội trao tặng; Năm 2015, Nguyễn Thị Thu Thương đã nhận được giải thưởng “Tầm nhìn Phụ nữ” (Women Vision Award) do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội (HIWC) - là một nhóm phi lợi nhuận với các thành viên là phụ nữ nước ngoài hiện đang sống tại Việt Nam trao tặng...
Nhưng với Nguyễn Thị Thu Thương, điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc nhất sau những nỗ lực của mình không phải chỉ đơn giản là những bằng khen, danh hiệu, mà là đã truyền cảm hứng và hỗ trợ được rất nhiều người khuyết tật có được công việc và có thể nuôi sống bản thân. Nguyễn Thị Thu Thương chia sẻ: “Ước mơ duy nhất của em lúc này là có tiền để mua được một căn nhà, trở thành nơi làm việc và nghỉ ngơi của người khuyết tật khi đến với Thương Thương Handmade. Bởi căn nhà đang thuê chật chội và không đủ khả năng để hỗ trợ cho nhiều người, nếu có căn nhà to hơn, khang trang hơn, Thương Thương Handmade sẽ có cơ hội tạo công ăn việc làm, hỗ trợ được nhiều người kém may mắn hơn nữa”.
Nguyễn Thị Thu Thương - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade: "Thông qua những việc làm của mình, em muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng: “Người khuyết tật không chỉ cần được nuôi cơm ngày 3 bữa mà họ có thể làm được nhiều hơn thế. Chỉ cần có đam mê, có cố gắng thì làm gì cũng sẽ thành công". |