Cô gái Khmer đưa mật dừa Trà Vinh xuất ngoại
“Ở Thái Lan, Philippines, dừa không chỉ để thu trái mà còn lấy mật. Có cách nào tăng giá trị kinh tế cho cây dừa quê mình không? Câu hỏi đó cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí của chúng tôi”, chị Thạch Thị Chal Thi nói với Đầu tư Tài chính.
Vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi, chị Thạch Thị Chal Thi |
Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk,… đã mở được đường vào các hệ thống phân phối trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Tại Trà Vinh, Sokfarm của vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi – chị Thạch Thị Chal Thi nổi tiếng với các sản phẩm làm từ mật được “vắt” từ cây dừa. Đến nay, sản phẩm của Sokfarm đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, đạt chuẩn hữu cơ quốc tế (USDA, EU, Jas), được bày bán trong nước ở hơn 30 tỉnh, thành phố và xuất sang Nhật Bản, Hà Lan. Sokfarm cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business.
Cơ cực những ngày tháng “vỡ đất”
Vào năm 2018, trăn trở trước việc giá dừa khô tại quê nhà giảm mạnh, chị Thạch Thị Chal Thi, quê ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã nảy sinh ý tưởng tạo ra dòng sản phẩm từ mật hoa dừa.
“Có thời điểm 1.200 trái dừa nhưng người nông dân chỉ có thu nhập được 2 triệu đồng. Nghe cha kể lại mà lòng xót xa. Quê tôi có diện tích dừa rất lớn, chỉ thua Bến Tre, nhưng không có các cơ sở chế biến sâu, toàn bán nguyên liệu cho Bến Tre. Giá rẻ đã đành, thương lái còn chẳng buồn đến thu mua. Nhìn tình hình kinh tế ở nơi mình sinh ra như vậy khiến tôi xót xa lắm và đó cũng là lúc ý tưởng phát triển các sản phẩm mật hoa dừa của tôi hình thành”, chị nói.
Bắt đầu từ con số 0, Chal Thi kể, thời gian đầu đưa ra ý tưởng, vợ chồng chị nhận phải sự phản đối từ gia đình và “lời ra tiếng vào” của nhiều người dân xung quanh bởi ý tưởng “ngược đời”. Trong 6 tháng đầu, chị tiết lộ, mọi kỹ thuật, cách làm đều không thu được bất kỳ giọt mật nào. Không nản lòng, vợ chồng chị lại tiếp tục dành thêm thời gian nghiên cứu kỹ thuật thu mật từ nhiều quốc gia, chú trọng hơn vào việc chọn hoa dừa, chăm sóc, massage cũng như kỹ thuật gõ hoa, kích mật.
“Lúc bấy giờ tôi mới hiểu, quy trình chăm sóc dừa lấy mật hoàn toàn khác với trồng lấy trái. Sau khi những mẻ mật đầu tiên ra đời, vợ chồng tôi lại tiếp tục nghiên cứu, chiết xuất, cô đặc mật bằng công nghệ cô đặc chân không ở nhiệt độ 55oC cho đến khi những sản phẩm đầu tiên xuất xưởng đạt chất lượng như mong muốn”, chị nói.
Nói về cái tên Sokfarm, Chal Thi cho hay trong tiếng Khmer, từ “Sok” có nghĩa là hạnh phúc và “Sokfarm” nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc. Với tên gọi này, vợ chồng chị muốn được lan tỏa một sản phẩm đem tới niềm hạnh phúc cho người nông dân, nhờ có thu nhập từ thu mật hoa dừa, người dân có được lợi nhuận cao hơn để hỗ trợ và chăm sóc gia đình.
Mang “mật ngọt” đi muôn nơi
Theo lời kể của Chal Thi, dự án sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa Sokfarm là tâm huyết lớn của vợ chồng chị nhằm mục đích giải quyết bài toán giá nông sản bấp bênh, nâng cao kinh tế cho nông hộ Khmer trồng dừa và đặc biệt là tận dụng nguồn dừa Trà Vinh.
“Khi tìm hiểu về ngành mật hoa dừa ở Thái Lan, Philippines, Nam Ấn Độ…, tôi mới biết được, thật ra việc lấy mật từ hoa dừa là nghề truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh. Chẳng qua do ngành mía đường phát triển quá tốt nên nghề này bị mai một”, chị kể.
Theo tính toán của bà chủ Sokfarm, xét về giá trị kinh tế, việc khai thác mật hoa dừa cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với bán trái. 1 hoa dừa đạt năng suất thu được một chục trái dừa, giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng. Còn với việc khai thác bán mật, mỗi hoa dừa sẽ cho 25 lít, tương đương 250.000 đồng. Như vậy, chỉ cần có 20 gốc dừa, một hộ nông dân có thể thu được 6 triệu đồng/tháng.
Để tiêu thụ được sản phẩm, chị cũng cho biết vợ chồng chị đã tận dụng mọi cơ hội có được, từ việc đem hàng đi quảng bá, giới thiệu ở các hội chợ trong và ngoài nước đến tham gia các diễn đàn, cuộc thi khởi nghiệm sáng tạo. Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhiều bên, khách hàng từ việc chưa từng đặt chân đến Trà Vinh đã liên hệ đến thăm và làm việc tại Sokfarm.
Ba năm sau khởi nghiệp, sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa Sokfarm đã có chỗ đứng trên thị trường với 90% sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước, 10% còn lại được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan. Sokfarm vẫn đang tiếp tục thương thảo để xuất khẩu qua những thị trường khác trên thế giới.
Sản phẩm mật hoa dừa theo đó cũng đã mở ra hướng đi mới cho nông dân Trà Vinh khi mà tỉnh này có diện tích trồng dừa chỉ sau Bến Tre. “Khoảng 90% lao động đang làm việc với Sokfarm là người Khmer. Chúng tôi rất mừng khi nông trại Sokfarm đã và đang giúp cho hàng chục người dân quanh tôi có việc làm với mức lương tháng gần 10 triệu đồng/người. Ngày càng có nhiều hộ dân trồng dừa tin tưởng và mong muốn được chuyển giao công nghệ thu mật để hợp tác cùng Sokfarm”, chị chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà chủ Sokfarm, tính đến thời điểm hiện tại, thành công lớn nhất mà doanh nghiệp đạt được đó là “cái tên Sokfarm - nông trại hạnh phúc” đã trở thành hiện thực.
“Tất cả mọi người đều rất yêu công việc, yêu mảnh đất này, luôn nở nụ cười trên môi. Tôi mừng vì người dân quê hương mình không phải bỏ quê mà đi tha phương cầu thực nơi khác và cái tên mật dừa Sokfarm Trà Vinh được nhiều người không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng biết đến”, Chal Thi nói.