Chủ nhật 20/04/2025 19:21

Chuyên gia nói gì về thí điểm sàn giao dịch tiền ảo?

Việc thí điểm sàn giao dịch tiền ảo đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng đầu tư và giới công nghệ. Liệu đây có phải là cơ hội vàng để bắt kịp xu hướng?

Bước ngoặt với tiền ảo

Tại phiên họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về vấn đề quản lý tài sản số, tiền số (hay thường gọi là tiền ảo).

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Đây là vấn đề mới, rất phức tạp không chỉ đối với Việt Nam và còn với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang được tiếp tục nghiên cứu một cách rất kỹ lưỡng; đưa ra khuôn khổ pháp lý khác nhau để tạo ra các cách thức, hướng tới các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tài sản số minh bạch; hướng tới phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế.

Chính thực tiễn đặt ra như vậy nên lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thấy được và chỉ đạo một cách rất khẩn trương để nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này ở Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Chi nói.

Hiện tại, các sàn giao dịch tiền số lớn trên thế giới như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… đều đã hỗ trợ giao diện tiếng Việt. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính hiện đã được giao, ngay trong tháng 3 sẽ báo cáo Chính phủ ban hành một nghị quyết. Theo đó, cho phép thí điểm xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch tiền ảo để các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam tham gia, có nơi để giao dịch, có nơi để làm các động tác đầu tư, mua bán, được tổ chức bởi những đơn vị doanh nghiệp được Nhà nước cho phép. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức cá nhân khi tham gia vào hoạt động trên thị trường này.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan để sớm xây dựng quy định, pháp quy, pháp luật cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức của Việt Nam có thể phát hành tài sản ảo của mình để huy động nguồn lực tài chính, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển tổ chức đó. Qua đó, phát triển chung đối với nền kinh tế của Việt Nam, cũng như phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, bắt kịp xu thế chung phát triển của thế giới và khu vực về tài sản ảo, tài sản số.

Xu thế của thế giới

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Về nguyên tắc Việt Nam đi sau thế giới về quản lý các tài sản ảo cũng như các loại tài sản công nghệ số, thực tế cho thấy chúng ta cũng thể đứng ngoài xu thế này. Do đó, Chính phủ mấy năm trước cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm vấn đề quản lý tài sản số, tiền số. Trên thế giới một số nước như Mỹ, Nga… đã có quy định về quản lý tài sản số, tiền số, Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa sớm muộn cũng phải có quy định về quản lý loại tài sản này.

Thứ nhất, để quản lý Nhà nước, đây là những hoạt động trong không gian kinh tế mở, không còn ở trong nước nữa mà còn mở không giới hạn, xuyên biên giới trên không gian mạng. Đây là vấn đề mới, do đó luật của Việt Nam phải có quy định, vì không gian mạng không có biên giới hay quốc gia.

Vấn đề này là thách thức, buộc chúng ta phải làm, do đó việc có những quy định về quản lý tài sản số, tiền số là rất cần thiết”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Thứ hai, việc có quy định về quản lý tài sản số, tiền số là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dân, không bị ngộ nhận, không bị thao túng, không bị lừa đảo. Đặc biệt là để bảo vệ những tài sản chính đáng, bởi vì tiền ảo cũng giống như số điện thoại, email, cũng là tài sản số do cần được bảo vệ.

Thứ ba, để ngăn chặn các hoạt động tội phạm ở trong /chu-de/tien-dien-tu.topic và những vi phạm về an ninh, an toàn.

Thứ tư, việc có quy định về quản lý tài sản số, tiền số có thể làm tăng thêm nguồn thu ngân sách. Vì nếu quản lý tốt khi mua đi bán lại tiền ảo như một loại hàng hóa người dân sẽ đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước.

Với tinh thần chung việc này phù hợp với xu hướng thế giới, phù hợp với thực tế Việt Nam, khả năng quản lý cũng như thực tiễn. Đặc biệt, hướng tới bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của người dân”, ông Nguyễn Minh Phong nhận định.

Dù chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý nhưng thị trường giao dịch tài sản số, tiền số đặc biệt là tiền số phổ biến như Bitcoin, Ethereum… vẫn diễn ra sôi động. Các loại tiền số được mua bán, đầu tư mạnh trong những năm gần đây, nhất là khi đồng tiền số Bitcoin có biến động mạnh về giá.

Tại Việt Nam, các cá nhân có thể thực hiện hoạt động mua bán, đầu tư các đồng tiền số như Bitcoin khá đơn giản thông qua các sàn giao dịch phổ biến như Binance, Remitano… với nhiều phương thức khác nhau.

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản số, tiền số. Việc sớm quản lý với loại tài sản này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, giúp kiểm soát chủ quyền tiền tệ, giảm rủi ro thất thu thuế cũng như ngăn chặn rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố…

Ngày 24/2, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nói cần nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch cho tài sản số.

Trước đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định về tài sản số, sandbox... chậm nhất trong quý II. Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ.

Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis.

Thanh Bình

Tin cùng chuyên mục