Thứ năm 28/11/2024 21:42

Chuyển dịch năng lượng: Cách nào gỡ nút thắt tài chính?

Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà là sự thay đổi của cả nền kinh tế.

Chiều 29/7, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng”.

Chuyển dịch năng lượng đòi hỏi một quy mô tài chính khổng lồ

Số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố cho thấy, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong ba thập kỷ tới khi giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng chuyển đổi từ điện than sang điện từ năng lượng mặt trời, gió và các hệ thống tái tạo khác. Để năng lượng tái tạo cân bằng cacbon, nhu cầu điện có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2050.

Mục tiêu tham vọng của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 vừa là thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết tại COP26.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ngay sau đó đã được phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021. Gần đây, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh- Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, với mục tiêu trên cùng yêu cầu về quy mô rất lớn, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đã được xác định trong thời gian tới, trong đó chuyển dịch năng lượng công bằng và huy động nguồn lực tài chính để chuyển dịch cơ cấu năng lượng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà là sự thay đổi của cả nền kinh tế. Thế giới đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn "năng lượng xanh" được xem là điểm sáng nổi bật. Tuy nhiên, việc chuyển dịch năng lượng đòi hỏi một quy mô tài chính khổng lồ. Đối với các nước đang phát triển, việc định hình một mô hình quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng phù hợp với trình độ phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”- ông Lê Trọng Minh nhìn nhận.

Theo ông Lê Trọng Minh việc thống nhất một mô hình đối tác đạt được sự đồng thuận của các bên là giải pháp tháo gỡ nút thắt cho chuyển đổi năng lượng, vấn đề có tính toàn cầu cả về chính trị và kinh tế. Trong đó, mô hình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) như một minh chứng tham khảo.

Phải có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính

Tại buổi Tọa đàm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tài chính là yếu tố quan trọng trong việc đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong đó, khả năng sinh lời và khả năng dự báo là những yếu tố then chốt trong tài chính. Nếu thiếu 2 yếu tố này sẽ hạn chế nguồn tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo chứ không phải ngược lại.

Có những khó khăn khi thị trường vốn của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô và chưa đa dạng các công cụ tài chính. Vì vậy, để tài trợ cho nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở quy mô cần thiết đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có bài trình bày về “Cơ hội và thách thức đối với phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam theo hướng quản trị và phát triển bền vững theo thông lệ ESG”.

Bài phát biểu đề cập đến vấn đề ngày càng nhiều ngân hàng tại Việt Nam quan tâm tới tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Theo ông Hòe, hiện tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam mới chiếm 4-5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế song tốc độ tăng trưởng lên tới gần 30%.

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cũng đã có bước đi tích cực trong tiến trình từng bước xanh hóa hệ thống ngân hàng, xanh hóa thị trường vốn. Bằng việc ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh (QĐ 1604/QĐ-NHNN), chỉ thị 03/CT của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh, thống kê danh mục cho vay xanh của các tổ chức tín dụng (, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng đã có thử nghiệm mô hình stress test để đưa ra kịch bản đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên danh mục cho vay của một số ngân hàng thương mại lớn…

Tuy cơ hội mở ra là rất lớn, song tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn gặp khá nhiều thách thức. Đặc biệt là đầu tư công cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu còn hạn chế, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo còn bất cập, Quỹ tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường còn ít; chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp bền vững còn thiếu; thói quen tiêu dùng xanh chưa cao…

Trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại đầu tư tín dụng xanh sẽ đón nhận nhiều cơ hội kinh danh mới, đa dạng hóa lựa chọn tài trợ, được xếp hạng và định giá cao hơn, cải thiện uy tín và thương hiệu… song cũng chịu các thách thức về nợ xấu, rủi ro thay đổi giá tài sản…

Chính vì vậy, để thúc đẩy tín dụng xanh, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ nhanh chóng ban hành Danh mục phân loại xanh để có cơ sở định hướng, quản lý, khuyến khích, phát triển, báo cáo, thống kê Tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Chương trình Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Các cơ quan Chính phủ hỗ trợ và hướng dẫn khu vực tư nhân tiếp cận, huy động, sử dụng nguồn tài chính xanh quốc tế, kể cả nguồn ưu đãi quốc tế. Các chính sách nhất quán và ổn định hỗ trợ phát triển năng lượng xanh sạch, bền vững.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần sử dụng tốt các công cụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thu hút dòng tài chính xanh cho tăng trưởng xanh: Thuế, phí, lãi suất, giá Fit, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, tái chiết khấu; dành ưu tiên về hạn mức vay nợ nước ngoài dành cho khu vực tư nhân để gia tăng nguồn vốn xanh từ nước ngoài đầu tư cho chuyển dịch năng lượng xanh…

Cần chỉ đạo yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, ngân hàng tư nhân cam kết chuyển đổi danh mục đầu tư/cho vay để đạt Net-Zero vào năm 2050”, ông Hòe kiến nghị.

Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa bảo đảm đạt mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế.
Việt Anh
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống sắp về đích

Lào Cai cam kết giải quyết vướng mắc các dự án truyền tải điện

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát

EVN và NSMO 'bắt tay' vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia

Bắc Giang: Đề xuất xây dựng mới các kho xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Từ thông điệp của Tổng Bí thư: Quyết liệt chống lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu - Bài 4: Chuyên gia, nhà quản lý nói gì?

Quy định mới nhất về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị cấp điện cho mùa khô 2025 ra sao?

Phát triển điện hạt nhân: Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, hướng tới Net Zero

Liên minh châu Âu mua khí tự nhiên hóa lỏng của Nga tăng 150% trong 3 năm

Hoà lưới thành công tổ máy 1 công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

Ông Donald Trump dự định dỡ bỏ lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu LNG

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực Trung Bộ

Nâng cao kỹ năng nghề truyền tải: Hiệu quả từ đường dây 500kV mạch 3

Bộ Công Thương kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Bắc Giang: Triển khai chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Những quyết sách 'mở đường' cho Petrovietnam vươn mình

Bộ Công Thương triển khai các Nghị định thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng