Chương trình Thương hiệu Quốc gia- Dấu ấn 15 năm
Lễ Khai mạc triển lãm ảnh "Trưng bày giới thiệu các thành tựu và kết quả 15 triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia" |
Triển lãm là nơi giới thiệu đến các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người dân về Chương trình THQG nói chung và sản phẩm nổi trội đồng hành cùng chương trình; góp phần tăng thêm niềm tự hào của người Việt Nam đối với hàng Việt Nam, từ đó có các hoạt động ủng hộ cho hàng hóa, doanh nghiệp nội.
Chia sẻ với báo giới bên lề lễ khai mạc, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục XTTM cho hay: Chương trình THQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 là chương trình duy nhất quảng bá chương trình THQG của Việt Nam thông qua thương hiệu sản phẩm, dịch vụ. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chọn ngày 20/4 là Ngày Thương hiệu Việt Nam. 10 năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này, trong đó Chương trình Tuần lễ THQG là một hoạt động lớn.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại- Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. |
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết: Sau nhiều năm triển khai, Chương trình THQG đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, từng bước tạo dựng THQG trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã ghi dấu ấn trên thị trường thế giới như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen … Tuy nhiên cho đến nay, sau 5 kỳ xét chọn mới chỉ có 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG. Con số này còn khiêm tốn so với trên 800.000 doanh nghiệp trên cả nước.
Các đại biểu thăm quan triển lãm |
Thời gian tới, Việt Nam được dự báo tăng trưởng nhanh, đều, hứa hẹn thị trường trong nước sẽ mở rộng phát triển. Cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế ngày một gia tăng sẽ tạo nên nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt. Do đó, vai trò của thương hiệu trên thị trường quốc tế rất quan trọng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng.
"Việc xây dựng và quản trị thương hiệu trở nên quan trọng hơn hết và thực sự cần có sự đổi mới sáng tạo, đồng hành cam kết giữa Chính phủ- doanh nghiệp- tổ chức xã hội. Mỗi bên xác định vai trò của mình để đồng hành xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, quốc gia để vượt qua những khó khăn của thương mại quốc tế trong bối cảnh mới”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.