Chứng nhận quốc tế: “Bàn đạp” cho nông sản Việt Nam
Ảnh minh họa
Xu thế chung của thương mại toàn cầu hiện nay là các sản phẩm để nhận biết và tiêu thụ được cần phải có chứng nhận, như một yếu tố bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), đây chính là “điểm yếu” của các mặt hàng nông sản nước ta vì chưa có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế. Ví dụ, dù ngành chè Việt Nam với sản lượng đứng thứ 5 thế giới, nhưng hiện cả ngành chè mới có 3 DN có chứng nhận Organic, 2 DN có chứng nhận Rainforset Alliance, 1 DN có chứng nhận UTZ, 2 DN có chứng nhận thương mại công bằng, 1 DN có chứng nhận Global Gap. Hiệp hội Chè Việt Nam cũng cho rằng, DN chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu của các chứng nhận quốc tế, do lo ngại phải đầu tư nhiều mà khả năng thu lại thấp nên mức độ sẵn sàng đạt chứng nhận quốc tế không cao.
Hay như với ngành cà phê, sản lượng cà phê được cấp chứng nhận 4C của Việt Nam mới đạt 594.000 tấn (chiếm khoảng 39% tổng sản lượng cà phê), cà phê cấp chứng nhận UTZ khoảng 150.000 tấn (chiếm khoảng 10% sản lượng), 40.000 tấn đạt chứng nhận Rainforest Alliance (chiếm 2,6% sản lượng). Đặc biệt, chưa có đơn vị cà phê nào đạt chứng nhận Global Gap và rất ít (khoảng 2,82% DN) đạt chứng nhận cà phê hữu cơ Organic.
Trên thực tế, lợi ích khi đạt các chứng nhận quốc tế chính là cơ hội để DN mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm. Đại diện Công ty cà phê Thắng Lợi cho biết: Công ty đang phối hợp cùng nông dân sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ và Rainforest. Sản phẩm cà phê sau khi được chứng nhận khi XK luôn được lợi hơn khoảng 300 USD/tấn so với cà phê không có chứng nhận. Tương tự, sau khi đạt chứng nhận Rainforest Alliance, Công ty chè Phú Bền (Phú Thọ), Công ty chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) có thể bán hàng cho các DN nước ngoài kinh doanh chè lớn như Tập đoàn Unilever…
Dù được coi là “giấy thông hành” để đến được các thị trường khó tính như EU, Mỹ… song, để đạt được các chứng nhận quốc tế được đánh giá là rất khó. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt các chứng nhận, trước hết chúng ta cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển vùng trồng trọt và cung cấp nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các DN và đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại một cách có hệ thống nhằm tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm được chứng nhận.
Theo VIRI, DN sẽ có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường XK, đạt mức giá bán cao hơn và tạo quan hệ kinh doanh lâu dài, bền vững một phần rất lớn nhờ việc đạt các chứng nhận quốc tế. |