Chứng nhận AS9100: “Giấy thông hành” cho doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất ngành hàng không vũ trụ
Sáng 25/9, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo đào tạo và Chứng nhận “Hệ thống Quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ” – AS9100.
Hướng đến đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn Quốc tế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G - cho hay, ngành công nghiệp chế tạo hàng không vũ trụ tại Việt Nam đang có những bước chuyển mình nhanh chóng trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) TP. Hà Nội (Hansiba) phát biểu khai mạc Hội thảo |
Là ngành có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, ngành chế tạo hàng không vũ trụ đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu hiện thức hóa chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, với trọng tâm là các ngành công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, mới đây, Hansiba, Tập đoàn N&G Holdings, cùng với mười doanh nghiệp hội viên ngành hàng không vùng Kobe (KAN) – Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng, theo như thỏa thuận, các doanh nghiệp KAN và các doanh nghiệp Hansiba thống nhất sẽ hợp tác về công nghệ, quy trình sản xuất, đặc biệt là chứng chỉ sản xuất toàn cầu. Việc đáp ứng được Hệ thống tiêu chuẩn Quốc tế về kỹ thuật và chất lượng đối với ngành công nghiệp chế tạo hàng không vũ trụ là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh kiện hàng không vũ trụ của thế giới. “Hội thảo đào tạo và Chứng nhận “Hệ thống Quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ” – AS9100 - nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ”, ông Nguyễn Hoàng nói.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – thông tin, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội tập trung đẩy nhanh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất tại HANSSIP và các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội để phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo, điện tử - tin học, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực hàng không,…
“Sở Công Thương Hà Nội mong rằng, các doanh nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh đầu tư, sớm có giải pháp áp dụng “Chứng nhận AS9100 - Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ” vào sản xuất, đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đối tác tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khách hàng, thị trường, hợp tác sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ với Tập đoàn N&G và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để sản xuất, kinh doanh và phát triển các sản phẩm lĩnh vực công nghiệp hàng không, tham gia chuỗi sản xuất cung ứng linh kiện hàng không vũ trũ toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo |
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đánh giá, ngành hàng không vũ trụ là ngành công nghiệp hiện đại, khẳng định vị thế, tâm thế và sự sẵn sàng khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại của thế giới, đồng thời khẳng định sự tin tưởng của doanh nghiệp Việt Nam với công nghệ Nhật Bản.
"Chúng tôi đánh giá tính nghiêm túc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, quan hệ lao động của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Việc hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cùng nhau hợp tác – sản xuất – dịch vụ sẽ đem lại kết quả tích cực cho hai bên, cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu", ông Hoàng Quang Phòng nói.
Nỗ lực để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại Hội thảo, ông Takayuki Ishida – Tổng giám đốc VI-JA CID (Công ty tư vấn đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ) đã giới thiệu Tổng quan về Chứng nhận AS9100. Theo đó, AS9100 có ứng dụng rộng rãi trong ngành hàng không vũ trụ, bao gồm sản xuất, bảo trì, sửa chữa và phân phối. Ví dụ về các công ty bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng máy bay, nhà cung cấp thiết bị hàng không vũ trụ và các công ty dịch vụ bảo trì.
AS9100 dựa trên cấu trúc tương tự như ISO 9001 và nhấn mạnh các yếu tố sau: Yêu cầu lãnh đạo tổ chức phải là trung tâm của quản lý chất lượng; Nhấn mạnh tư duy dựa trên rủi ro và quy định việc xác định rủi ro cũng như các biện pháp đối phó; Quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và độ tin cậy của sản phẩm; Đảm bảo sản phẩm truy xuất nguồn gốc; Các biện pháp khắc phục khi có vấn đề xảy ra và các quy trình cải tiến liên tục.
Khi doanh nghiệp đạt được Chứng nhận AS9100 sẽ giúp nâng cao uy tín trên thị trường toàn cầu; cải thiện độ tin cậy từ các đối tác kinh doanh và khách hàng; giảm chi phí bằng cách tăng cường quản lý rủi ro; Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất; thường được yêu cầu như một điều kiện để tham gia đấu thầu trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Để được cấp Chứng nhận AS9100, doanh nghiệp cần chuẩn bị thiết lập hệ thống quản lý chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn; kiểm toán nội bộ; đánh giá bởi tổ chức chứng nhận bên thứ ba; được cấp chứng nhận nếu đạt tiêu chuẩn.
“AS9100 là tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng quan trọng để đảm bảo độ tin cậy và an toàn trong ngành hàng không vũ trụ. Việc tuân thủ tiêu chuẩn này cho phép các công ty nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn”, ông Takayuki Ishida nhấn mạnh.
Thông tin về kinh nghiệm và khả năng đầu tư sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ tại Việt Nam, ông Onaga Masaru – Chủ tịch Công ty Onaga Việt Nam - cho biết, nhu cầu đối với máy bay thương mại trong 20 năm tới dự kiến khoảng 36.000 chiếc. Thị trường máy bay thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 5% trong 20 năm tới. Tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không Việt Nam đứng số 5 thế giới và đứng số 1 ở Đông Nam Á.
Số lượng khách nước ngoài tới Việt Nam năm 2023 đạt 12.600.000 người, tăng 3,4 lần so với năm trước. Doanh thu, lợi nhuận của Vietnam Airlines và VietJet Air tăng khi nhu cầu du lịch phục hồi trong năm 2023. Năm 2024, lượng khách du lịch ước đạt mức năm 2019, là mức cao nhất. Nhu cầu được dự đoán còn tiếp tục tăng.
Cũng theo ông Onaga Masaru, công nghiệp sản xuất máy bay là một lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhà sản xuất nội địa nào đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng máy bay. Boeing, công ty sản xuất máy bay của Mỹ hiện đang quan tâm tới thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội kinh doanh cho Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã ký kết hợp đồng tư vấn với VI-JA |
Ghi nhận những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Phong – CEO Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools) – cho hay, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra những nội dung cung cấp đầy đủ các thông tin tổng quan về Chứng nhận AS9100. Hiện các hãng hàng không tại EU, Hoa Kỳ rất quan tâm tới việc tìm kiếm đơn vị sản xuất tại Việt Nam để chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Việt Nam. Đây là cơ hội tốt, lớn với doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Phong, theo phân tích thị trường thì mức tăng về nhu cầu máy bay trong 20 năm tới là hấp dẫn. Tuy nhiên, giai đoạn đầu để doanh nghiệp Việt Nam có thể vào được chuỗi sản xuất, chúng tôi nhìn nhận là khá khó khăn, tốn kém và rủi ro thất bại là cao trong khi doanh nghiệp chưa thực sự đánh giá được tính chất kinh doanh, cũng như các yếu tố quan trọng về độ ổn định, độ lớn của đơn hàng.
"Đường đi dễ dàng là đang xuống dốc, khó khăn là bởi vì bạn đang lên dốc". Theo các chuyên gia, để đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng đối với ngành công nghiệp chế tạo hàng không vũ trụ, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói chung và Việt Nam sẽ cần sự nỗ lực không nhỏ để có thể gia nhập chuỗi giá trị ngành công nghiệp chế tạo hàng không vũ trụ toàn cầu này.