Theo Savills Việt Nam công bố, trong quý IV/2021, TTBĐS Hà Nội dự kiến đón 7.900 căn hộ mới đến từ 13 dự án. Tuy nhiên, 81% của nguồn cung căn hộ này lại nằm ở khu vực ven nội đô hoặc ngoại thành. Cùng với quỹ đất nội đô đang dần cạn kiệt trong khi dân số đô thị hóa đang ngày một tăng cao, giá thành của các căn chung cư tại khu vực nội đô Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng về giá cả.
Savills cũng chỉ ra rằng: Bình quân một căn hộ tại quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy có giá dao động khoảng 3.000 USD/m2, Đống Đa và Tây Hồ ghi nhận mức giá biến động từ 2.000 - 3.000 USD/m2. Nếu quy đổi ra một căn chung cư diện tích trung bình khoảng 70m2 cho 3 người thì giá trị để sở hữu được căn hộ như trên không thể dưới 3 tỷ đồng. Đối với phần đông những lao động trẻ chỉ có thu nhập từ 8-15 triệu/tháng thì với mức giá 3 tỷ đồng cho một căn chung cư là một nỗi lo đeo bám họ trên con đường sở hữu được tổ ấm của riêng mình.
Mua chung cư đang là xu thế của người dân Thủ đô. Nguồn: Internet |
Dân số tăng nhanh tạo nên áp lực cho vấn đề đáp ứng nhà cửa. TP. Hà Nội đã tiến hành phê duyệt các dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm cải thiện đời sống của nhân dân. Đối với vấn đề giải quyết nhà ở cho người dân, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025 với tổng số vốn khoảng 437.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và xã hội hóa, trong đó dự kiến phát triển 409.000m2 nhà ở xã hội.
Đối với người thu nhập thấp, kế hoạch phát triển của thành phố dự kiến cung cấp 3,57 triệu m2 sàn nhà ở tại 43 dự án cho người dân. Các khu đất được bố trí cho việc xây dựng nhà ở xã hội được phân bố chủ yếu tại các vùng ven nội đô hoặc các quận, huyện ngoại thành để giảm thiểu áp lực về giá đất và đề ra một mức giá hợp lí hơn cho người dân.
Sau hơn một năm sống tại khu nhà ở xã hội Ecohome 3 nằm tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, anh Ngọc Khôi, giảng viên đại học, chia sẻ những cảm xúc phấn khởi của mình khi được sở hữu căn nhà trong mơ với mức giá không quá đắt đỏ. Đặt mua nhà dự án từ thời điểm trước dịch vào năm 2019 với giá 15 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn nhà 70m2 của anh rơi vào khoảng 1,2 tỷ đồng, một mức giá thật sự “hời” đối với một căn chung cư tại khu vực không quá xa trung tâm thành phố, đặc biệt là “hời” với một người có thu nhập chỉ vào khoảng 10 triệu/tháng như anh.
Khu nhà ở Ecohome 2&3 tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Nguồn: Internet |
Các thủ tục mua bán được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, cùng với việc ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp nên trong vòng một tháng từ khi tìm hiểu về dự án và chủ đầu tư, anh Khôi đã hoàn thành xong các thủ tục cần thiết để mua nhà. Khi nhận được bàn giao vào tháng 12/2020, anh không khỏi ngỡ ngàng về chất lượng hoàn thiện mà khu nhà ở xã hội đem lại. Hành lang được vệ sinh sạch sẽ, vị trí các phòng kỹ thuật và nhà ở mỗi tầng được bố trí khoa học, đội ngũ nhân viên ban quản lý nhiệt tình giúp đỡ và đảm bảo an ninh cho tòa nhà. Các căn chung cư được bàn giao cho người mua đều trong tình trạng tốt, hoàn thiện đầy đủ theo hợp đồng.
Anh cũng chia sẻ thêm về chất lượng quản lý của tòa nhà trong một năm qua, đây cũng là điều mà nhiều người quan tâm nhất ở các khu nhà ở xã hội hoặc nhà dành cho người thu nhập thấp khi không ít dự án rơi vào tình trạng chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”, không quan tâm đến việc duy trì chất lượng khiến cho chung cư nhanh chóng xuống cấp. Trung bình một tháng anh Khôi phải đóng 350.000 đồng tiền quản lí tòa nhà và tiền nước sinh hoạt, 120.000 đồng cho vé tháng của hai chiếc xe máy. Đổi lại với số tiền này là hành lang tòa nhà luôn sáng bóng, bảo vệ túc trực 24/7 và luôn có lễ tân để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của người dân.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng giúp rút ngắn thời gian di chuyển vào trung tâm của nhiều người dân |
Cùng với sự phát triển của đời sống và sự gia tăng trong yêu cầu của người mua, các khu nhà ở xã hội tại Hà Nội đang trở thành sự kết hợp của hai yếu tố: Giá thành “xã hội” và chất lượng “thương mại”, nghĩa là mức giá tốt nhưng đi kèm với chất lượng quản lý cao. Cộng với việc TP. Hà Nội đang không ngừng cải thiện hệ thống đường kết nối với trung tâm cũng như hệ thống phương tiện công cộng như xe bus, Metro nên việc di chuyển từ các khu vực nhà ở ven nội đô và ngoại thành vào khu vực trung tâm không còn là trở ngại.
Cư dân phản ánh về tình trạng chất lượng dịch vụ tại chung cư Golden Time |
Vết nứt tại căn hộ Golden Time do người dân chụp lại |
Tuy nhiên không phải ai cũng có được sự may mắn như anh Khôi khi gặp được chủ đầu tư uy tín, không ít người dân mua nhà ở xã hội với giá tốt nhưng lại gặp nhiều phiền toái với chủ đầu tư. Cùng nằm trong khu đất nhà ở xã hội với chủ đầu tư của Ecohome 3, hai tòa chung cư Golden Time lại có chất lượng đáng lo ngại. Sau 6 tháng kể từ ngày bàn giao, nhiều cư dân đã phản ánh về tình trạng xuất hiện vết nứt tại các vị trí như tường, góc nhà, góc dầm cột, hành lang, mép cửa,...
Ngoài ra chủ đầu tư cũng bị người dân phản ánh về vấn đề thu phí đặt cọc cao khi chuyển nội thất vào nhà, thu phí đỗ xe dưới hầm cao khi chưa triển khai được thẻ xe và các vấn đề liên quan đến chi phí vận hành tòa nhà. Đây đều là vấn đề mà không ít người mua lo ngại ở việc mua nhà ở xã hội khi chủ đầu tư thường giảm các chi phí liên quan đến dịch vụ để đảm bảo nguồn lợi nhuận của mình, điều này tạo nhiều phiền toái trong sinh hoạt cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội |
Chia sẻ về lí do khiến cho chất lượng dịch vụ của nhiều dự án nhà ở xã hội không được như mong đợi, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho biết: “Doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều khoản phí cả chính thức và không chính thức để được thực hiện dự án. Để đảm bảo mức giá bán nhà ở xã hội đặt ra, chủ đầu tư phải tìm mọi cách để giảm chi phí, dẫn đến chất lượng nhà ở thường bị kém đi. Quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, không khuyến khích chủ đầu tư dự án ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật, quản lý, để vừa phải đảm bảo chất lượng công trình, gia tăng các tiện ích, dịch vụ nhưng giảm giá thành.”
Ông Điệp cũng cho biết thêm: “Nhiều người dân đang mang tư tưởng rằng, nhà ở xã hội là chất lượng kém nên nhiều người lao động họ không thể dồn hết tiền mồ hôi, nước mắt của mình để mua nhà ở xã hội, cũng không dám vay vốn để mua một căn hộ có chất lượng thấp. Phải hiểu rằng, dù là nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của họ.”
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng chủ trương tiến hành giải quyết nút thắt về nhà ở xã hội cho người dân thông qua Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đó là các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại đô thị loại II và III phải dành 20% diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.