Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng 20/8, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường đã chia sẻ kinh nghiệm của Sun Group, trong việc thu hút và quan tâm sức khỏe nguồn lao động của tập đoàn.
Theo lãnh đạo Sun Group, trong năm 2022 các chính sách mở cửa cũng như các chính sách đối phó linh hoạt với dịch COVID-19, các gói kích cầu kinh tế đã mang lại sự hồi phục, tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cũng như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.
“Thứ nhất là nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn” - ông Đặng Minh Trường nêu vấn đề.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường: Doanh nghiệp phải chuyển đổi đáp ứng xu thế mới của nhân lực trong thời gian tới - Ảnh: VGP |
Thứ hai là chi phí lao động tăng nhanh nhưng tay nghề còn hạn chế, khả năng đáp ứng chưa cao. Theo thống kê có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp.
Vấn đề thứ ba là doanh nghiệp phải chuyển đổi đáp ứng xu thế mới của nhân lực trong thời gian tới. Họ yêu cầu hình thức làm việc linh hoạt hơn về thời gian cũng như địa điểm. Thứ hai là họ muốn chuyển dịch từ cố định sang tự do. Thứ ba là tỉ lệ nhân viên nghỉ việc có xu hướng tăng lên rất đáng kể trong ngành du lịch.
“Với kinh nghiệm của Sun Group, chúng tôi tập trung vào 3 trụ cột chính để đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng và quan tâm sức khỏe nguồn lao động của mình. Thứ nhất là chú trọng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn với các chế độ đãi ngộ đa dạng. Thứ hai, ưu tiên chuyển đổi số trong công tác quản trị, vận hành và quan trọng nhất là kiên trì phát triển văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng cho phát triển của doanh nghiệp” - Lãnh đạo Tập đoàn Sun Group chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Sun Group cũng đề xuất 3 kiến nghị để phát triển thị trường lao động:
Thứ nhất, phải nâng cao vai trò, nhận thức của giáo dục nghề nghiệp. Ông Trường nêu ví dụ như ở Singapore, những năm 60 có đến 95% hướng nghiệp là đi học đại học, nhưng đến thời điểm này tôi được biết là có đến 65% được phân luồng để học đào tạo nghề hoặc giáo dục hướng nghiệp.
“Cần có sự hợp tác đa phương giữa đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp” - ông Trường đề xuất.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi về thuế trong tổng thể chiến lược để có gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ ngân sách giải ngân để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề và tái đào tạo kỹ năng của người lao động.
Thứ hai, như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nói rất rõ là sự mất cân đối trong cung - cầu cho các địa bàn do thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở xã hội. Ví dụ như Sun Group khi đầu tư, đưa vào vận hành các tổ hợp, công trình ở vùng sâu, vùng xa thì gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút nhân sự vì hạ tầng phục vụ sinh hoạt cơ bản còn thiếu cũng như phải cạnh tranh với nguồn lao động phi chính thức tăng rất cao.
“Chúng tôi cũng muốn có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc hạ tầng, đào tạo đi trước một bước. Chúng tôi muốn có sự an cư lạc nghiệp với người lao động bằng cách có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, hoặc chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở” - Chủ tịch HĐQT Sun Group nói.
Ngoài ra, có thể mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động tại các địa phương xa, vùng khó khăn, thu hút được người lao động đến. Tăng trần hạch toán chi phí phúc lợi vào chi phí doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp chỉ được hạch toán tối đa tổng chính sách phúc lợi tương đương 4 tháng tiền lương, chưa đủ để có phúc lợi hấp dẫn thu hút người lao động vào địa bàn, vùng miền khó khăn, chưa có điều kiện sinh hoạt tốt.
Thứ ba, là cơ chế ưu đãi khuyến khích các khoản đầu tư về công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số để đáp ứng với sự phát triển bền vững.