Hà Nội: Kết nối cung - cầu lao động phù hợp tình hình mới |
Trước thềm Hội nghị phát triển lao động phục vụ phục hồi phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, Báo Công Thương ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về những nút thắt hiện nay cũng như giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Thị trường lao động phân hóa rõ nét sau đại dịchÔng Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh |
Thị trường lao động có sự phân hóa rõ nét sau đại dịch. Nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng nhiều, nhất là các ngành công nghệ 4.0, công nghệ số, thương mại điện tử, những ngành đòi hỏi người lao động phải chịu được áp lực cao trong công việc, có thái độ lao động nhiệt tình... Doanh nghiệp tuyển dụng cũng có sự chọn lọc cao sau khi tái cấu trúc. Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động trẻ có khao khát khởi nghiệp, làm việc độc lập gắn liền với công nghệ số... cũng góp phần phân hóa đa dạng thị trường lao động sau dịch.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công... Hiện nay một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều như công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; ngân hàng; ngành hàng tiêu dùng nhanh được dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ tiếp tục tăng cao trong các quý tiếp theo của năm 2022… Vì thế cả nhà trường, học sinh sinh viên và doanh nghiệp cũng cần phải thích ứng nhanh nhu cầu mới này của thị trường lao động.
Để nguồn lao động ổn định cả về số lượng và chất lượng, cần phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp vẫn luôn được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Việc hợp tác với doanh nghiệp đang được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó xây dựng thương hiệu trường đại học. Mối liên kết này đang trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh: Thiếu lao động chất lượng cao
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh |
Xu hướng chung của ngành gỗ hiện nay là không thiếu lao động phổ thông mà chỉ thiếu những lao động lành nghề, có kỹ năng. Ví dụ như kỹ năng thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đây là thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay của ngành nhưng vẫn chưa tháo gỡ được bởi thiếu vắng những trường đào tạo nhân lực chuyên ngành cho chế biến gỗ.
Do vậy, để ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ phát triển cần có những nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, hiện nay ngành gỗ còn đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khiến một số nhà máy phải giảm công suất, giảm số ngày làm việc nên chúng tôi kiến nghị phải hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp duy trì sản xuất để duy trì công việc cho lao động.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Tạo cơ chế để doanh nghiệp hoạt động ổn định
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam |
Ngành thủy sản có đặc thù là sản xuất theo mùa vụ, tức là cao điểm sản xuất thường rơi vào các tháng cuối năm hoặc từ giữa năm trở đi nên nhu cầu lao động cũng có tính chất mùa vụ. Tuy vậy sau dịch ngành có nhiều biến động hơn do một lực lượng lớn lao động ở các tỉnh phía Nam về quê trong đợt dịch thứ 4 đến nay vẫn chưa trở lại hết vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong khi đó, ngay tại thủ phủ thủy sản là vùng Tây Nam bộ cũng có xu hướng dịch chuyển lao động sang cách ngành nghề khác, dẫn tới xáo trộn lực lượng lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản.
Đáng nói hơn là gần đây xuất khẩu thủy sản đang có xu hướng chững lại do nhu cầu ở một số thị trường chậm hơn so với hồi đầu năm cũng là một trong những nguyên nhân tác động tới nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Do vậy, để tạo nguồn lao động ổn định cho ngành này, chúng tôi cho rằng rất cần những chính sách dài hơi, cụ thể như tạo cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản hoạt động ổn định. Cơ chế này có thể về thuế, chính sách tài chính hoặc tiếp cận thị trường. Bởi chỉ khi doanh nghiệp ổn định thì khi đó họ mới tính toán được lượng cầu về nhân lực cũng như đảm bảo công ăn việc làm lâu dài cho người lao động.
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty XNK Nam Thái Sơn: Bổ sung nhiều chính sách phúc lợi
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh |
Để giữ chân lao động, trên phương diện chung, các doanh nghiệp cần có những chính sách gắn bó, đảm bảo an cư lạc nghiệp để người lao động gắn bó. Cụ thể như, chính sách thưởng, hỗ trợ về chỗ ở… Cụ thể, trước đây thường doanh nghiệp xét thưởng vào cuối năm, bây giờ có thể xét thưởng 6 tháng, 3 tháng xét thưởng lao động tiến tiến và bây giờ tất cả nhà máy đưa ra chế độ hàng tháng xét thưởng, công nhân làm tốt sẽ được thưởng, 6 tháng được 1 tháng lương.
Thứ 2 là thưởng về chuyên cần, trước đây là làm đủ ngày đủ công thì thưởng thu nhập A thì bây giờ là 2A hoặc 1,5A.
Thứ 3, công ty cũng xây dựng chính sách để giải quyết chi phí nhà ở. Theo đó, khi người lao động lên họ có chỗ ở công ty sẽ trả tiền. Đó là những chính sách mà trước dịch chúng ta không có. Những chính sách này tạo ra áp lực, gánh nặng rất nhiều cho việc bán hàng nhưng chúng ta phải làm để đảm bảo nguồn lao động ổn định.
Ở tầm vĩ mô, phải cân đối ngành đào tạo tại các trường cho phù hợp với nhu cầu thực tế về lao động. Trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào ngành bao bì, do đo nhu cầu lao động nhưng những trường đào tạo ngành này trong nước lại đang chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tương tự với hoạt động tái chế, nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu hàng tái chế nhưng Việt Nam lại không tìm ra cơ sở đào tạo nhân lực ngành này, doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn. Do vậy Nhà nước nên ưu tiên hơn nữa khâu đào tạo nhân lực cho các ngành xuất khẩu đem về ngoại tệ, hoặc những ngành doanh nghiệp FDI đang chú trọng đầu tư nhằm dễ đáp ứng nguồn cung, thừa hưởng công nghệ khi họ rút đi.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày TP. Hồ Chí Minh: Kết nối chặt chẽ với các địa phương
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày TP. Hồ Chí Minh |
Mặc dù các doanh nghiệp đã tái khởi động sản xuất kinh doanh từ tháng 10/2021, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp ngành da giày vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. So với thời điểm trước dịch Covid-19, hiện nay lượng lao động của các doanh nghiệp đã giảm 20 - 30%, đặc biệt là lượng lao động có tay nghề.
Để thu hút và giữ chân lao động chất lượng cao, thứ nhất, doanh nghiệp trực tiếp xuống làm việc với các Sở Lao động Thương binh và xã hội địa phương ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long… để hợp tác đào tạo và giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp.
Thứ 2, tăng cường chính sách phúc lợi, chính sách hỗ trợ cho người lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày đều hỗ trợ người lao động chi phí tiền thuê trọ…
Thứ 3, sau khi phục hồi các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn tái phục hồi và hỗ trợ người lao động. Do đó, nhà nước cần có chính sách ưu đãi về nguồn vốn cho các doanh nghiệp da giày – ngành thâm dụng lao động, để doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền đó cho nâng cao công nghệ, trang thiết bị và hỗ trợ người lao động.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Đào tạo nhân lực chất lượng cao
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Thời điểm này, doanh nghiệp trong ngành rau quả vẫn thiếu 10 - 20% lao động, chủ yếu là thiếu lao động có kỹ năng, đây mới là bài toán dài hạn.
Để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp đã tăng lương lên 5-8%. Đồng thời có phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đặc biệt là cho lao động có thâm niên để lao động có tay nghề, đã được đào tạo nhiều tiếp tục làm việc với doanh nghiệp.
Để thu hút lao động, các doanh nghiệp cần phải đi sâu vào đào tạo nhân lực với chuyên môn về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, từ đó áp dụng vào canh tác, chăn nuôi, chế biến mới có được những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tất cả các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Ông Trương Tấn Lộc - Trưởng ban nghiên cứu, đào tạo, Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh: Chương trình đào tạo cần sát với thực tế của doanh nghiệp
Ông Trương Tấn Lộc - Trưởng ban nghiên cứu, đào tạo, Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh |
Với ngành logistics, trước dịch lượng nhân sự đã thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Sau dịch Covid-19, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết bài toán nhân sự cho ngành logistics hiện nay các nhà trường đã có những chương trình đào tạo sát với thực tế hơn nhưng qua các báo cáo, tổng kết, các ý kiến của doanh nghiệp vẫn cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Về phía Hiệp hội, trong năm 2022, đơn vị sẽ phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để triển khai đào tạo nguồn nhân lực với sự đồng hành của hải quan, doanh nghiệp logistics, Hiệp hội logistics để đào tạo nhân sự trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại, hội thảo, hội nghị trực tiếp và online cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, chương trình đào tạo của Hiệp hội logistics không chỉ cho sinh viên mà còn hướng đến những giáo viên nhằm thiết lập tạo nên những chương trình mà ở đó giáo viên cũng được tham gia vào hoạt động thực tế của doanh nghiệp.