Mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nhân Việt lọt danh sách tỷ phú USD thế giới Doanh nhân là ‘‘xương sống’’của nền kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển |
Dấu ấn sau 20 năm
Theo suốt chiều dài phát triển của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển đầy dấu ấn, ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Chia sẻ tại talkshow "20 năm: Sức mạnh doanh nhân Việt và khát vọng vươn tầm quốc tế" mới đây, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh cho biết, giới doanh nhân Việt Nam có hai cột mốc đáng nhớ, tự hào.
Đó là giai đoạn đầu khi Việt Nam dần mở cửa (năm 1986) - đây là thời kỳ vai trò của thương nhân được ghi nhận trong xã hội. Tiếp theo, đến năm 2004, lần đầu tiên được nhà nước chọn một ngày kỷ niệm riêng cho giới thương nhân - Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). "Giới doanh nhân chúng tôi rất phấn khởi và tự hào. Sự ghi nhận của nhà nước, xã hội là niềm động viên, tiếp sức rất lớn, giúp doanh nhân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình kiến thiết xây dựng đất nước”- ông Hòa chia sẻ.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngường xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, đưa thương hiệu vươn xa ra thị trường quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Từ hai cột mốc đó, nhất là kể từ năm 2004, đến nay đội ngũ doanh nhân đã trưởng thành vượt bậc, tăng gấp 10 lần, lên đến trên 110.000 người. Các doanh nhân hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực không chỉ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Ghi nhận về sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh cung cho rằng, trong bối cảnh trong nước và thế giới 20 năm nay đã có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và vai trò của doanh nhân. “Đặc biệt là sự đổi mới của đất nước, tác động của toàn cầu hóa đã hình thành và thúc đẩy năng lực của doanh nghiệp trong quá trình đổi mới toàn cầu”- ông Quân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Danny Võ - Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài – TP.Hồ Chí Minh cho rằng sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam hiện nay còn có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài. Lực lượng doanh nhân này có điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến và đang mang những tri thức mới, công nghệ mới, cơ hội kinh doanh mới và nguồn kiều hối về đầu tư tại Việt Nam.
Với khả năng thích ứng, linh hoạt, sáng tạo và kiên cường để vượt qua khó khăn, giới doanh nhân Việt Nam đã tận dụng cơ hội và xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau; không ngừng đưa hàng hoá, thương hiệu sản phẩm Việt Nam có mặt, hiện diện ở thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, dù đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng số lượng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công trên thị trường quốc tế còn khá khiêm tốn và chỉ có khoảng 5 đại diện của Việt Nam trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới. “Thực tế này đang đặt ra cho doanh nghiệp câu hỏi lớn, đó là phải làm thế nào để sản phẩm, đặc biệt là thương hiệu của mình chiếm được trái tim của khách hàng trong và ngoài nước”- ông Hòa trăn trở.
Nắm bắt thời cơ vàng gây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế
Đến nay, quá trình hội nhập kinh tế của đất nước đang mở ra nhiều cơ hội để doanh nhân chèo léo "con thuyền" doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, đi ra “biển lớn”. Dẫu vậy, hành trình đó có không ít thử thách khi các doanh nghiệp Việt trong tâm thế người đi sau, đang phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về phát triển xanh, phát triển bền vững…
Để nắm bắt thời cơ vàng gây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, rất cần sự hậu thuẫn của nhà nước và người tiêu dùng trong nước để doanh nghiệp vững vàng trên "sân nhà" và tự tin trên "sân khách". Đặc biệt, hiện giới doanh nhân, doanh nghiệp rất cần sự hẫu thuận, vai trò bà đỡ của nhà nước. “Cần thêm nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, gỡ khó về kinh doanh để tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp… Từ đó tạo niềm tin khát vọng vươn xa của doanh nghiệp; doanh nghiếp sẽ có chỗ đứng treent hị trường trong và ngoài nước”- ông Hoà chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tìm ra được sự khác biệt để khẳng định chỗ đứng, vị thế của sản phẩm, dịch vụ; phải thích ứng, nắm bắt với những thay đổi của khoa học, công nghệ và tìm ra con đường riêng để trụ vững ở "sân nhà", cũng như làm nền tảng vươn xa. Cùng đó, hành trang vươn ra thế giới không thể thiếu tầm nhìn toàn cầu, chiến lược, tư duy quản trị, con người toàn cầu...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ngoài xây dựng vị thế, thương hiệu trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp đồng thời phải làm cho thị trường nội địa trở nên hấp dẫn hơn, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, muốn vào "sân chơi" kinh tế Việt Nam. "Chúng ta cần tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút đầu tư từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Qua đó, tạo hệ sinh thái, phát triển thương hiệu vệ tinh, cung cấp cho thương hiệu dẫn dắt toàn cầu, đồng thời nâng chất, nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam" - ông Hoà nhấn mạnh.
Từ góc độ nghiên cứu, PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân nhận định thêm rằng, hiện tiềm lực của người Việt trên thế giới rất nhiều, đặc biệt là ở những quốc gia phát triển. Đây là cơ hội rất quý, nếu có được kết nối của cộng đồng doanh nhân kiều bào thì doanh nghiệp Việt sẽ đi xa, đi nhanh hơn. Đặc biệt, vai trò bà đỡ từ những thay đổi của chính sách sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo giá trị gia tăng, tăng nội lực cho doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển.