Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam: Chúng ta đang ngồi trên hàng triệu tấn tài nguyên
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, hoạt động tái chế nhìn qua có vẻ khó nhưng thực ra lại chính là tương lai. Bởi tái chế sẽ giúp giảm các vấn đề về môi trường và tạo ra những nguyên liệu mới.
Chẳng hạn như ngành thép đang nhập gần 20 triệu tấn than để làm chất đốt. Tuy nhiên, để giảm thiểu phát thải CO2 theo yêu cầu của thị trường EU, ngành này phải thay thế 1-2 triệu tấn than bằng viên đốt từ rác thải nhựa. Do vậy, nhiều đơn vị ngành thép đã đặt hàng Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam những rác thải nhựa để đốt với lượng lên tới 1.000 tấn/ngày.
Từ đó, ông Việt Anh cho rằng lĩnh vực tái chế rác thải tại Việt Nam là “mỏ vàng”, đồng thời cho biết lĩnh vực này cũng thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình là tháng 11/2023 vừa qua, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đã tiếp đoàn Hiệp hội tái chế Đài Loan với khoảng 15 doanh nghiệp tái chế qua tìm cơ hội đầu tư về tái chế tại Việt Nam. “Điều này có nghĩa là họ đã nhìn thấy nguồn tài nguyên ở Việt Nam và chúng ta đang ngồi trên hàng triệu tấn tài nguyên, đó là rác sinh hoạt”- ông Việt Anh nhận định.
Theo ông Trần Việt Anh, các doanh nghiệp tái chế của Đài Loan đã tới TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh để tìm hiểu, đầu tư và khai thác tái chế rác sinh hoạt, thậm chí khai quật tất cả các bãi rác đã chôn lấp hàng chục năm nay để làm nguyên liệu tái chế.
Thu gom rác thải nhựa |
“Nếu chúng ta không khai thác rác thải sinh hoạt thì sẽ đánh mất cơ hội, trong khi Đài Loan, Thái Lan đang làm rất tốt. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, với gần 10.000 tấn rác mỗi ngày, thành phố phải xem rác là tài nguyên và đẩy mạnh hoạt động thu gom, phân loại rác và giảm thiểu hoàn toàn chôn lấp bằng biện pháp tái chế” - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Thực tế nhận thấy những tiềm năng của lĩnh vực tái chế rác thải, ở nhiều thành phố lớn đã có những động thái cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này. Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố - cho biết: Để tăng cường hiệu quả công tác tái chế cũng như phát triển ngành công nghiệp tái chế trong tương lai, TP. Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện điều tra, khảo sát tình hình tái chế trên địa bàn.
Theo đó, Sở đã có những số liệu cơ bản về các cơ sở tái chế trên địa bàn cũng như các cơ sở thu mua phế liệu là mạng lưới cho việc thu gom; số liệu về những vật liệu có thể tái chế được trên địa bàn, qua đó làm nền tảng cho việc xây dựng kế hoạch về phân loại rác cũng như tái chế trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở đã thực hiện xây dựng đề án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có những quy định cũng như định hướng các khu vực, quỹ đất phục vụ công tác phân loại rác tại nguồn và thực hiện tái chế chất thải. Hiện đề án này đang trình Bộ Xây dựng để thực hiện thẩm định.
Tại Đồng Nai, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại. Trong đó, chất thải sinh hoạt hơn 1.800 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Do đó, bên cạnh xử lý theo phương pháp truyền thống, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh này đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để thực hiện tái chế các loại chất thải theo chủ trương khuyến khích của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.