CƠ CHẾ EPR: Mở rộng hợp tác đa bên Cơ chế EPR giúp hình thành chuỗi tuần hoàn nhựa Cơ chế EPR sẽ làm thay đổi thói quen trong sản xuất của doanh nghiệp |
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện tại quy định Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (EPR) vẫn đang còn nhiều vướng mắc và chưa hoàn thiện về cơ chế để có thể thúc đẩy EPR thực hiện một cách hiệu quả. Trong đó phải kể đến các hành lang pháp lý về: Chi phí tái chế (Fs), quy định tiêu chuẩn cho các sản phẩm tái chế, tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm, cơ chế khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tiêu chí xanh, tiêu chí kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái…
Theo các doanh nghiệp, Việt Nam chưa hoàn thiện về cơ chế để có thể thúc đẩy EPR thực hiện một cách hiệu quả (Ảnh: Cấn Dũng) |
Chính sách thu gom và tái chế tại một số bang tiêu biểu của Hoa Kỳ
Cùng với sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển kinh tế không ngừng, lượng chất thải từ các hoạt động xã hội đã gia tăng một cách đáng kể. Việc quản lý chất thải hiệu quả đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân để bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Là một trong những chuyên gia về phát triển bền vững, việc thường xuyên tham dự các hội nghị quốc tế đã giúp ông Lê Anh- Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (Duytan Recycling) tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm triển khai EPR ở một số nước phát triển trong đó có Hoa Kỳ.
Ông Lê Anh cho biết, tại Hoa Kỳ, hệ thống thu gom và tái chế nhựa đã được phát triển nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Ông Lê Anh- Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (Ảnh: Thu Hường) |
Các bang tại Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để thúc đẩy việc thu gom và tái chế nhựa. Mỗi bang có cách tiếp cận riêng, nhưng đều hướng đến một mục tiêu chung là giảm thiểu lượng rác thải nhựa và khuyến khích người dân thu gom và tái chế đúng cách.
Cụ thể, tại bang California – đây là một trong những bang tiên phong trong việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc quản lý rác thải nhựa. Bang này đã ban hành nhiều luật nhằm thúc đẩy việc tái chế nhựa, bao gồm Đạo luật Tái chế và Giảm thiểu chất thải và Đạo luật Giảm thiểu chất thải rắn mới.
“Các luật này yêu cầu chính quyền địa phương phải đảm bảo rằng ít nhất 50% lượng chất thải được tái chế, với mục tiêu tăng lên 75% trong tương lai gần. California cũng yêu cầu các nhà sản xuất bao bì nhựa phải sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong sản phẩm của họ vào năm 2030, giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường tái chế và giảm thiểu việc sử dụng nhựa nguyên sinh", ông Lê Anh cho hay.
Trong khi đó tại bang Oregon- đây là một trong những bang có chương trình thu gom và tái chế mạnh mẽ tại Hoa Kỳ. Chương trình "Bottle Bill" của bang này được triển khai từ năm 1971, trở thành chương trình tái chế đầu tiên yêu cầu các nhà sản xuất nước uống phải chịu trách nhiệm về việc tái chế chai nhựa và thủy tinh.
Người tiêu dùng trả một khoản tiền đặt cọc khi mua sản phẩm và sẽ được hoàn lại khi trả lại chai rỗng. Năm 2017, Oregon đã nâng mức tiền đặt cọc lên 10 xu cho mỗi chai và mở rộng danh sách các sản phẩm áp dụng, giúp tỷ lệ thu gom và tái chế chai nhựa tại bang này đạt tới 90%.
Theo ông Lê Anh, New York cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy việc tái chế nhựa. Đạo luật "NYS Plastic Bag Waste Reduction Act" được ban hành năm 2020 cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần tại hầu hết các cửa hàng bán lẻ. Bang này yêu cầu các nhà sản xuất bao bì nhựa phải nộp kế hoạch giảm thiểu và tái chế bao bì. Chính sách thu gom rác thải sinh hoạt của New York yêu cầu người dân phân loại và tách riêng các loại nhựa, kim loại và giấy. Những biện pháp này đã giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu lượng rác thải nhựa.
Chương trình California Redemption Value (CRV)
Chương trình California Redemption Value (CRV), được thành lập vào năm 1987, là một trong những chương trình tái chế thành công nhất tại Hoa Kỳ. CRV cho phép người tiêu dùng trả lại các chai và lon nước uống để nhận lại một khoản tiền, từ 5 - 10 xu cho mỗi sản phẩm. Chương trình này không chỉ khuyến khích người tiêu dùng tái chế mà còn tạo ra nguồn tài chính ổn định cho các dịch vụ tái chế tại California.
Kệ sản phẩm đồ uống được đóng trong các chai tái chế tại khu vực sân bay của Hoa Kỳ (Ảnh: Lê Anh) |
Khi mua các sản phẩm nước uống đóng chai hoặc lon, người tiêu dùng tại California trả thêm một khoản tiền và được hoàn lại khi mang chai hoặc lon rỗng đến các trung tâm tái chế. CRV áp dụng cho hầu hết các sản phẩm nước uống bằng nhựa, thủy tinh và kim loại, giúp tăng tỷ lệ thu gom và đảm bảo rằng chúng được tái chế thay vì bị vứt bỏ. Chương trình CRV đã giúp thu gom và tái chế hơn 80% các chai và lon nước uống tại California, so với tỷ lệ tái chế trung bình của Hoa Kỳ đạt khoảng 30%.
Xu hướng tái chế, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường
Việc tái chế chai nhựa không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn có lợi thế về chi phí. Ví dụ, tại một cửa hàng tiện lợi sân bay Los Angeles, các sản phẩm bán đều là sản phẩm thân thiện môi trường và ghi rõ 100% được làm từ nhựa tái chế.
Ông Lê Anh cho biết: Một chai nước ngọt làm từ nhựa PET tái chế có giá khoảng 3,49 USD, trong khi chai nước khoáng nhôm có giá 6,29 USD và chai nước khoáng thủy tinh là 8,19 USD. Điều này cho thấy tính hiệu quả về chi phí của quy trình tái chế, giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa sản phẩm thân thiện với môi trường.
Những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy thu gom và tái chế đã đạt được tiến bộ đáng kể, đặc biệt là qua hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Mặc dù còn nhiều thách thức, các sáng kiến này đang tạo ra sự thay đổi tích cực trong hành vi tiêu dùng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Các bang như California, Oregon và New York đã đưa ra những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy tái chế, trong khi chương trình CRV của California là minh chứng điển hình cho sự thành công trong việc tăng cường tái chế.