Chủ động để tránh thua thiệt
Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp do Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - cho biết, hiện nay, có rất ít DN Việt Nam sử dụng công cụ PVTM. Khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài gần đây của VCCI cho thấy: 15,09% DN không biết, 63,21% DN có nghe nói nhưng không biết sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ. Đặc biệt, 41% DN được khảo sát cho biết, không thể đáp ứng các yêu cầu để đi kiện PVTM. Phần lớn các DN đều cảm thấy thiếu thông tin, khó có khả năng tập hợp bằng chứng để tham gia các các vụ kiện thương mại.
Trên thực tế, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật về các biện pháp PVTM, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ. Trong đó, áp thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng (dầu thực vật, bột ngọt, phôi thép - thép dài); 2 vụ việc chống bán phá giá, đã áp thuế 1 mặt hàng (thép không gỉ cán nguội) và đang trong giai đoạn điều tra sơ bộ đối với thép tôn mạ. Tuy nhiên, số lượng vụ việc vẫn còn hạn chế so với nhu cầu bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Mức độ hiểu biết và nhận thức của DN sản xuất trong nước chưa cao, vai trò của các hiệp hội, nhà nhập khẩu, luật sư về thương mại quốc tế còn mờ nhạt.
Để công cụ PVTM được sử dụng hiệu quả hơn, bà Trang kiến nghị, DN phải chủ động hơn nữa trong việc cập nhật tìm hiểu thông tin về: nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt (nguyên đơn); nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan). Các cơ quan quản lý, hiệp hội cần tăng cường hoạt động tư vấn ban đầu, định hướng, cung cấp thông tin cho DN để giảm chi phí, tăng cường kết nối, hướng dẫn DN.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và có những quy định chi tiết hơn về PVTM. Đồng thời, nên có sự đổi mới cơ chế - công khai thông tin, mở rộng phạm vi thông tin xuất nhập khẩu mà DN được phép tiếp cận; dịch vụ cung cấp thông tin chuyên sâu cho DN; cải thiện cơ chế hỗ trợ tiền tố tụng và tố tụng như: Tư vấn đơn kiện, hỗ trợ tiếp cận thông tin thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước…