Chính thức khởi tranh vòng chung kết cuộc thi “Xung kích phòng, chống thiên tai”
Vòng chung kết toàn quốc "Xung kích phòng, chống thiên tai" diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 01/12 tại TP. Đà Nẵng, có sự tham gia tranh tài của 12 đội thi với 16 trận thi đấu (12 trận vòng loại, 3 trận bán kết, 1 trận chung kết), được ghi hình và phát sóng trên truyền hình với thời lượng 30 phút/tập, dự kiến phát sóng từ đầu năm 2022. Cuộc thi năm nay đã có những thay đổi mới mẻ về hình thức lẫn format, hứa hẹn sẽ đem lại cho khán giả một chương trình hấp dẫn và bổ ích.
Họp báo thông tin vòng chung kết cuộc thi "Xung kích phòng, chống thiên tai" năm 2021 |
“Xung kích phòng, chống thiên tai” là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2020 nhằm tôn vinh lực lượng phòng, chống thiên tai cấp cơ sở. Cuộc thi hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai (PCTT) và thích ứng biến đổi khí hậu thông qua việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng dưới hình thức gameshow mới mẻ.
Kết cấu Gameshow “Xung kích phòng, chống thiên tai” lấy ý tưởng từ Luật PCTT, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTT đã được Quốc hội thông qua và xuất phát từ hoạt động thực tiễn của lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở. Mỗi trận đấu gồm 3 phần thi: “Nhận diện”, “Ứng phó”, “Xung kích”. Cuộc thi năm nay được lồng ghép các nội dung về PCTT trong bối cảnh đại dịch Covid-19, 5 thành viên của mỗi đội sẽ có cơ hội thể hiện kiến thức, kỹ năng thông qua các phần chơi kiến thức, vận động mô phỏng thực tế, phát huy tối đa tinh thần đồng đội.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT - cho biết, thiên tai trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn diễn ra rất phức tạp, khốc liệt. Thiệt hại do thiên tai gây ra nặng nề. Tuy nhiên Việt Nam đã có những giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Kết quả này ngoài sự nỗ lực của chính quyền các cấp thì vai trò của lực lượng xung kích cơ sở, của cộng đồng là rất lớn.
Theo ông Hoài, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả đề án nâng cao năng lực của cộng đồng trong công tác PCTT. Cuộc thi “Xung kích phòng, chống thiên tai” là một trong những hoạt động đó. “Cuộc thi năm 2020 đã mang lại hiệu quả tốt, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Sau cuộc thi, lực lượng xung kích tại các địa phương đã phát triển lên mức độ chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn trong công tác PCTT”, ông Hoài nói và cho biết thêm, cuộc thi là sân chơi bổ ích, hữu hiệu, không chỉ thô cứng về chuyên môn, giải pháp ứng phó nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả khi thiên tai xảy ra, mà còn truyền đạt tới các đội xung kích kiến thức trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thành viên của các đội chơi chính là lực lượng xung kích từ cộng đồng các địa phương, ông Hoài mong muốn sau cuộc thi, đây sẽ là nhân tố tiêu biểu giúp truyền tải kiến thức quý báu về phòng, chống thiên tai, khích lệ sự tham gia của cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai và tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ từ “Bị động ứng phó” sang “Chủ động phòng ngừa” tại từng địa phương trên tinh thần “Vì một xã hội an toàn hơn trước thiên tai”.
Để bảm bảo phòng chống dịch Covid-19, các đội tham gia dự thi và thành viên Ban tổ chức sẽ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước và sau cuộc thi, mỗi cá nhân đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 (phần lớn đã tiêm đủ 2 mũi). Bên cạnh đó, cuộc thi được tổ chức theo mô hình bong bóng tức là trong thời gian diễn ra cuộc thi, tất cả các đội thi sẽ tập trung tại một khu vực biệt lập, không giao lưu với khu vực bên ngoài. Không gian thi đấu tập trung không quá 20 người cùng một lúc.