Lãi vay có thể cân nhắc điều chỉnh giảm 1 - 2% năm
CôngThương - Diễn biến thuận lợi có thể giảm lãi suất cho vay
Thông tin từ Vụ Tín dụng- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng của tháng 1/2014 ở mức âm 0,58%. Tuy nhiên, việc tăng trưởng này cũng khá phù hợp với quy luật bởi những tháng đầu năm thường trùng với dịp nghỉ lễ, tết, các doanh nghiệp chưa vay vốn làm ăn. Theo một số ngân hàng thương mại, những ngày sau Tết Giáp Ngọ, lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng đã tăng mạnh trong khi tiền vay chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận định: tín dụng tăng chậm của tháng 1 cộng với giá cả hàng hóa ổn định là những yếu tố thuận lợi để giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích doanh nghiệp và thị trường tăng trưởng.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ- cho biết: Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2014 là từ 12-14%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Vì thế, “Nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ nền kinh tế. Tùy theo giá vốn đầu vào và khả năng tài chính của các ngân hàng, trần lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục ổn định như hiện nay”- bà Hồng nói.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/2/2014, yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo định hướng cả năm, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. |
Hài hòa quan hệ tiền tệ - tài khóa
Năm 2014, NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, đi kèm đó là việc tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thì bà Hồng cho rằng, đảm bảo ổn định vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng nhất. Năm 2014, mục tiêu bội chi ngân sách đề ra là 5,3% GDP, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ cao hơn nhiều so với năm 2013 nên việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất quan trọng. “Cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ tiền tệ - tài khóa để không làm xô lệch các cân đối vĩ mô, vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu lớn nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống”- bà Hồng bày tỏ.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết của ngành tài chính, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ, sự phối hợp giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ cần rất nghệ thuật, lúc nào thì phát hành trái phiếu Chính phủ và đưa tiền đầu tư từ ngân sách ra, lúc nào thì được bù đắp bằng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Thống đốc Bình khẳng định: Nếu duy trì tốt được việc này thì mới duy trì được mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay. Nếu không sẽ làm cho lãi suất tăng lên, gây khó khăn ngược trở lại cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ; việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra cũng khó có thể thực hiện được. Về dài hạn, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ giúp cho thị trường vốn phát triển, khu vực tài chính sẽ đi bằng hai chân, tránh được những méo mó như hiện nay trong hệ thống ngân hàng đang vướng phải.