Chinh phục người tiêu dùng Việt: Bài học từ những thương hiệu thời trang ‘biến mất’
Nhiều thương hiệu thời trang “biến mất”
Mới đây, hãng thời trang Lep’ đã chính thức thông báo đóng cửa hàng sau 8 năm hoạt động trên thị trường Việt Nam, gây nên sự hụt hẫng cho không ít tín đồ thời trang Việt yêu thích sự nhẹ nhàng, bay bổng. Từng xác định xây dựng hình ảnh trên thị trường thời trang Việt bằng những chiếc váy hoa nhẹ nhàng mơ mộng và thực tế, đã định vị được hình ảnh này trong tâm trí người tiêu dùng, song trong bức tâm thư được chia sẻ trên trang Facebook bán hàng của hãng, Ngọc Trâm – Fouder của Lep’ phải bùi ngùi thừa nhận: “Đã “sức cùng lực kiệt”, không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp…”.
Trước đó, vào cuối tháng 10, thương hiệu thời trang nam CATSA cũng đã phải đóng 22 cửa hàng vì không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Nhìn lại bức tranh trên thị trường thời trang Việt Nam, nhiều thương hiệu cũng đang chật vật với những cửa hàng thời trang vắng vẻ dù liên tục khuyến mãi đến 50%, thậm chí 70% - 80%. Nhiều thương hiệu thời trang khác chọn cách phát triển song song cả trực tiếp và bán trên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm khách hàng…
Phải thừa nhận, thị trường thời trang Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” với bất cứ doanh nghiệp nào với tỷ lệ dân số trẻ cao, nhu cầu với mặt hàng thời trang rất lớn. Tuy nhiên, nó cũng là “mảnh đất màu mỡ” với hàng nhập khẩu và đặc biệt là hàng hoá giá rẻ đến từ các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.
Thị trường nội địa là thị trường tiềm năng nhưng đầy cạnh tranh của dệt may Việt Nam (Ảnh: Đức Giang) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói: “Chưa khi nào thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đặc biệt, trên nhiều sàn thương mại điện tử, hàng thời trang được bán với giá rất rẻ, được miễn phí ship… Sự tiện lợi, giá rẻ đã giúp hàng hoá từ các nền tảng này chinh phục người tiêu dùng Việt”.
Trong khi đó, triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, nhiều thương hiệu thời trang Việt cũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến như May 10, Việt Tiến, Việt Thắng, Elise, Patino… Song, xét một cách công bằng, giá cả của các thương hiệu thời trang Việt vẫn chưa thể cạnh tranh với hàng hoá trên các nền tảng thương mại điện tử. Chưa kể, thế mạnh của hàng Việt Nam vẫn nằm ở phân khúc hàng công sở, đồng phục công sở, đồ mặc nhà… với mẫu mã chưa quá đa đạng và giá cả còn chưa cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam với giá thấp, và các sản phẩm vào Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử với giá siêu rẻ, việc đội chi phí từ các cửa hàng lớn tại mặt tiền các con phố sầm uất càng khiến sản phẩm thời trang Việt khó cạnh tranh.
Cần chiến lược dài hạn
Trao đổi với phóng viên về giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm thời trang Việt, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, Việt Nam cần có một chương trình phát triển sản xuất, phân phối hàng may mặc kéo dài trong 5-10 năm. Bởi Việt Nam có thế mạnh về hàng dệt may với vị trí Top đầu xuất khẩu thế giới, tức là ta đã có sẵn nguồn lực từ công nghệ, nguồn nhân lực, không có lý gì lại “bỏ lỡ” thị trường nội địa với hàng trăm triệu dân.
Bên cạnh đó, phải kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Hiện nay, doanh nghiệp dệt may thường chủ động mở các cửa hàng tại các thành phố lớn. Điều này có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng xây dựng thương hiệu hơn, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng hơn. Nhưng trong bối cảnh sản xuất khó khăn hiện nay, người dân thắt chặt chi tiêu, nhà sản xuất phải phối hợp với các kênh phân phối lớn, trung tâm thương mại để gia tăng đối tượng khác hàng vì đây là nơi thu hút nhiều người tiêu dùng. Song song với đó, tích cực phát triển hàng hoá trên các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất.
Thừa nhận phát triển thương mại điện tử, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans cho biết, hiện các cửa hàng truyền thống đã trở nên ít hiệu quả hơn. Nhiều khách hàng chuyển sang mua online, nên các doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang bán online và livestream nhiều hơn. Chẳng hạn, với Việt Thắng Jeans, công ty liên tục tổ chức bán hàng qua livestream buổi tối, thậm chí giờ khuya từ 0 - 2 giờ sáng hôm sau.
Ông Phạm Tiến Lâm - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang cho biết, trong bối cảnh sức mua giảm sút, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt là sự dịch chuyển trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng ( mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử) thị trường xuất khẩu đang dần hồi phục nhưng còn yếu… Đức Giang xác định nỗ lực phục vụ tốt nhất cho khách hàng bằng cách cho ra đời không gian mua sắm S.PEARL - thương hiệu thời trang nữ được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, tiếp tục kiên định phát triển thị trường nội địa bằng những sản phẩm thời trang chất lượng, theo xu hướng bền vững, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.
Đặc biêt, tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động bằng cách đầu tư cho công tác nghiên cứu, nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước.