Chiến sự Nga-Ukraine ngày 25/8/2024: Mỹ không tin vào chiến lược của Ukraine; Kiev mất hơn 5.500 quân ở Kursk
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Mỹ không tin vào chiến lược của Ukraine ở Kursk
Tờ Washington Post dẫn các nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ cho hay, Washington không tin vào chiến lược của Ukraine ở Kursk và lo ngại về khả năng leo thang với Moscow.
“Chính quyền của Tổng thống Biden vẫn chưa nắm rõ được mục tiêu của Kiev trong chiến dịch tấn công sâu vào lãnh thổ Nga”, Washington Post viết.
This browser does not support the video element.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Washington vẫn đang đánh giá xem cuộc tấn công của Kiev tại Kursk "phù hợp như thế nào với các mục tiêu chiến lược trên chiến trường".
Một nhà ngoại giao giấu tên nói với tờ Washington Post rằng, Mỹ vẫn chưa chắc chắn liệu có nên giúp Kiev giữ và thậm chí có thể mở rộng vùng đất mà họ đang chiếm đóng hay không.
Ukraine mất hơn 5.500 quân ở Kursk
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong các trận chiến ở hướng Kursk, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 5.500 quân và 71 xe tăng.
“Tổng cộng, trong các trận chiến ở hướng Kursk, Ukraine tổn thất hơn 5.500 quân, 71 xe tăng, 30 xe chiến đấu bộ binh, 57 xe bọc thép chở quân, 372 xe chiến đấu bọc thép, 170 xe ô tô, 36 khẩu pháo, 5 hệ thống tên lửa phòng không, 11 bệ phóng của hệ thống tên lửa phóng loạt, bao gồm 3 HIMARS, 7 trạm tác chiến điện tử, radar phản pháo, 4 thiết bị kỹ thuật, trong đó có 2 xe rà phá kỹ thuật và 1 hệ thống rà phá bom mìn UR-77. Hoạt động tiêu diệt lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tiếp tục”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Mỹ không tin vào chiến lược của Ukraine ở Kursk. Ảnh: RIA |
Quân đội Ukraine ngày 6/8 phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk và tuyên bố đã kiểm soát hàng chục ngôi làng trong chiến dịch xuyên biên giới lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II.
Nga gọi chiến dịch tấn công của Ukraine ở Kursk là "hành động khiêu khích lớn" và tuyên bố sẽ "đáp trả thích đáng". Các chuyên gia nhận định một trong những mục tiêu của Kiev khi mở chiến dịch là nhằm phân tán bớt lực lượng của Nga ở mặt trận phía đông, qua đó giảm áp lực cho quân đội Ukraine tại đây.
Ukraine phát triển tên lửa tầm xa mới đáp trả lệnh cấm của NATO
Tổng thống Zelensky mới đây đã cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án tên lửa không người lái mới có tên “Palyanytsya”. Theo tờ Strana.ua, chưa có sản phẩm nào của dự án này được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và đang ở giai đoạn thử nghiệm.
This browser does not support the video element.
Ông Zelensky cho hay, tên lửa không người lái là một phần của cụm cùng tên, bao gồm 3 yếu tố, một trong số đó đã được thử nghiệm thành công. Theo ông, tên lửa không người lái mới vượt xa đáng kể tốc độ của các UAV tầm xa hiện có ở Ukraine.
Tổng thống cũng cho biết, Ukraine có ý định tiếp tục phát triển tên lửa tầm xa nhằm đáp trả lệnh cấm của Mỹ và các nước NATO hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga. “Ukraine đang phát triển tên lửa tầm xa của riêng mình”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Ông Zelensky cảnh báo Nga
Tổng thống Zelensky tuyên bố, "đòn đáp trả" của Ukraine có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Nga.
Mới đây, trong video kỷ niệm 33 năm ngày quốc khánh, được ghi hình tại làng Mohrytsya thuộc Sumy, cách ranh giới với Kursk của Nga vài km, Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine quyết tâm bảo vệ nền độc lập và đang "đưa cuộc chiến về nơi nó xuất phát" với những đòn tiến công vào lãnh thổ Nga.
"Người Ukraine luôn biết cách trả đũa. Bất kỳ ai muốn gieo rắc đau khổ trên mảnh đất của chúng tôi đều sẽ tự chuốc lấy đau khổ. Đủ cả vốn lẫn lời. Bất kỳ ai mang tai ương đến mảnh đất của chúng tôi đều sẽ phải gặt hái hậu quả trên chính lãnh thổ của họ", ông Zelensky nói.
Nếu không có giải pháp, xung đột có thể bị đóng băng
Ông Engin Ozer, nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, sai lầm của Tổng thống Zelensky trong việc từ chối đàm phán với Nga đã đẩy Ukraine vào ngõ cụt, và nếu không có giải pháp cụ thể, xung đột có thể bị đóng băng.
Theo ông, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đã kéo dài với những hậu quả nghiêm trọng và phức tạp. Trong bối cảnh đó, phương Tây vẫn tiếp tục làm gia tăng căng thẳng, và sự tham gia của các công ty quân sự tư nhân Mỹ trong cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk ở Nga là minh chứng rõ ràng.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về triển vọng của đàm phán hòa bình, một điều mà Nga đã từng để ngỏ với các điều kiện cụ thể, bao gồm việc Ukraine từ chối gia nhập NATO và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Về đàm phán hòa bình, chuyên gia Ozer cho rằng, khả năng này giữa Ukraine-Nga vẫn chưa chắc chắn, nhưng có thể các cuộc đàm phán không chính thức sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo ông, sau cuộc bầu cử ở Mỹ, lập trường của chính quyền mới sẽ trở nên rõ ràng hơn và có tác động đáng kể đến diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột.