Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh về thận
Những thực phẩm người mắc bệnh thận nên kiêng
Theo lương y Bùi Hồng Minh - Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội, Đông y đánh giá thận là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, được xem là gốc rễ, nền tảng của sự di truyền và hoạt động sống. Thận cũng liên quan mật thiết với các tạng phủ khác nhằm thực hiện điều hòa chức năng sinh lý của cơ thể, có chức năng loại bỏ chất thải ra khỏi máu, điều chỉnh mức chất lỏng trong cơ thể, nên để thận hoạt động trơn tru, cần duy trì chế độ ăn uống tốt.
Thịt xông khói chứa nhiều natri không tốt cho người mắc bệnh về thận cũng như tim mạch |
Thực phẩm chứa nhiều natri: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, một chế độ ăn tốt cho thận thường bao gồm hạn chế natri và kali đến 2.000mg mỗi ngày và hạn chế photpho đến 1.000mg mỗi ngày.
Natri là một thành phần trong muối ăn. Nạp ít natri sẽ giúp hạ huyết áp và làm chậm tiến triển của bệnh thận. Vì chức năng của thận là lọc natri ra khỏi cơ thể và đưa vào nước tiểu. Khi bị tổn thương, chức năng lọc natri của thận sẽ bị suy giảm. Điều này làm cho natri bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể, dẫn tới tăng huyết áp. Hàm lượng natri lý tưởng là < 2,3mg/ngày.
Các loại thực phẩm nhiều natri như thịt muối, thịt xông khói, xúc xích, súp đóng hộp, hoa quả đóng hộp, khoai tây chiên, bánh quy mặn, bánh snack, rau quả ngâm muối, nước tương, các thức ăn dùng liền (ngũ cốc, bánh mì nướng…).
Hạn chế photpho: Photpho cùng canxi và vitamin D giúp duy trì hệ xương khớp vững chắc. Thận khỏe mạnh sẽ giúp giữ lại lượng photpho vừa đủ cho cơ thể. Khi thận hoạt động kém, photpho sẽ bị tích tụ dư thừa trong máu. Quá nhiều photpho trong máu có thể gây yếu xương, làm xương dễ gãy.
Các thức ăn giàu photpho người bệnh thận nên tránh là thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói, phô mai chế biến sẵn, thịt tươi đông lạnh, soda, thức uống có hương vị, nước tăng lực, thức uống thể thao, bia, rượu.
Quả bơ: Thường được biết đến là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng bổ dưỡng, bao gồm chất béo, chất xơ và chất chống oxy hóa có lợi cho tim, tuy nhiên với những người bị bệnh thận nên tránh sử dụng bơ.
Thực phẩm đóng hộp: Hầu hết các loại thực phẩm đóng hộp chứa lượng natri cao, vì muối được thêm vào như một chất bảo quản để tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm. Do lượng natri được tìm thấy trong các sản phẩm đóng hộp, nên những người bị bệnh thận tránh hoặc hạn chế tiêu thụ chúng.
Ngoài ra, nếu bắt buộc phải sử dụng, hãy rửa hoặc ngâm nước trước khi chế biến các loại thực phẩm đóng hộp, chẳng hạn như đậu đóng hộp và cá ngừ, có thể làm giảm hàm lượng natri từ 33-80%, tùy thuộc vào sản phẩm.
Gạo lứt: Giống như bánh mì lúa mì nguyên hạt, gạo lứt là một loại ngũ cốc có hàm lượng kali và phốt pho cao hơn so với gạo trắng. Một chén gạo lứt nấu chín chứa 150mg photpho và 154mg kali, trong khi một chén gạo trắng nấu chín chỉ chứa 69mg photpho và 54mg kali.
Ngoài ra người bệnh suy thận nên kiêng các loại rau quả nhiều kali như những loại quả khô, sầu riêng, mơ, cam, chuối, bơ, đậu tương, đậu xanh, khoai tây, cà chua, măng, bí ngô, rau khoai lang, rau muống, rau mồng tơi, cải xoăn, rau dền, rau chân vịt.
Thực phẩm nên bổ sung
Ớt chuông đỏ: Một quả ớt chuông 74g chứa 3mg natri, 156mg kali và 19mg photpho. Ớt chuông chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào nhưng lại ít kali hơn các loại rau củ khác. Loại quả này giàu vitamin C, chống oxy hóa mạnh mẽ. Một quả ớt chuông 74g cung cấp cho cơ thể 158% lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày. Ngoài ra, loại quả này cũng cung cấp vitamin A, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh suy thận.
Bắp cải: 70g bắp cải chứa 13mg natri, 119mg kali và 18mg photpho.
Bắp cải rất giàu vitamin và khoáng chất. Đây là nguồn cung cấp vitamin K, vitamin C và vitamin B dồi dào cho cơ thể. Ăn bắp cải thường xuyên còn giúp cơ thể bổ sung chất xơ không hòa tan, giúp hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh hơn thông qua việc thúc đẩy chuyển động ruột.
Súp lơ: Trong súp lơ chứa rất nhiều vitamin C, folate và chất xơ. Ngoài ra, loại rau này chứa lượng indol, glucosinolate và thiocyanat dồi dào. Đây là các hợp chất giúp gan trung hòa những chất độc hại có thể làm hỏng màng tế bào, AND.
Tỏi: Loại củ này vừa giúp thêm hương vị cho món ăn vừa cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tỏi rất giàu mangan, vitamin C, vitamin B6 và những hợp chất lưu huỳnh có đặc tính kháng viêm.
Hành tây: Đây là loại gia vị vô cùng phù hợp cho người bệnh suy thận vì chứa rất ít natri. Gia vị này còn thay thế được hương vị của muối. Ngoài ra, hành tây chứa lượng vitamin C, mangan, vitamin B dồi dào cùng các lợi khuẩn, rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
Táo: Táo là một trong những loại quả người bệnh suy thận nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày vì giàu pectin: Đây là chất xơ hòa tan hữu ích trong việc thuyên giảm và duy trì mức cholesterol, đường huyết trong phạm vi cho phép; giàu chất chống oxy hóa: Quercetin là hoạt chất có trong táo, giúp bảo vệ tế bào não trước các tổn thương bắt nguồn từ hệ lụy suy thận; giàu vitamin C: Loại vitamin này sẽ giúp những tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả.
Thay đổi lối sống
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh thận, trong đó phổ biến nhất là bệnh tiểu đường không được kiểm soát và tình trạng huyết áp cao. Do vậy, cùng với chế độ ăn uống thì cần thay đổi lối sống lành mạnh.
Theo đó, có chế độ kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp là nguyên nhân khiến bệnh suy thận chuyển biến nặng hơn. Người bệnh cần chú ý kiểm soát tốt huyết áp để làm chậm tiến triển bệnh.
Không hút thuốc lá: Thuốc lá có chứa khoảng 200 loại độc tố có hại cho sức khỏe. Các độc tố này sẽ tăng áp lực lên thận cùng các cơ quan khác. Tế bào thận khi bị phá vỡ sẽ làm tình trạng suy thận biến chuyển rất nhanh, có thể gây tử vong.
Không uống rượu, bia: Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương các tế bào thận. Người bệnh suy thận nên tránh các thức uống có hại này.
Tránh dùng thuốc không theo toa: Các loại thuốc không theo toa khi sử dụng lâu dài có thể làm tổn thương đến thận..
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu: Kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh suy thận, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Tránh béo phì: Béo phì, tăng cholesterol máu có khả năng làm giảm lượng máu cung cấp tới thận. Người bệnh cần chú ý kiểm soát tốt cân nặng bằng thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng.
Bổ sung lượng nước uống hàng ngày hợp lý: Người bệnh suy thận cần hạn chế uống nước. Liều lượng nước phụ thuộc vào tình trạng, mức độ của bệnh. Thông thường, người bệnh suy thận nên uống nước khoảng 300ml - 500ml.