Thứ tư 20/11/2024 05:12

Cây thảo quả và chuyện thoát nghèo ở Y Tý

Bất chấp ngoài sân là mưa rét, sương mù… trong căn nhà gỗ của ông Vàng A Dủa, không khí vẫn ấm, sực mùi thảo quả thơm ngào ngạt. Bốc cho chúng tôi xem những nắm thảo quả đã được sấy khô, ông Dủa cười bảo: “Chờ giá tốt là bán thôi…”.

Làm việc ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), ở đâu cũng nghe đồng bào khoe, thảo quả hiện vẫn là loại cây cho thu nhập tốt nhất đối với người Hà Nhì, Mông, Giáy ở 14 thôn bản của Y Tý. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi quyết tâm đi lên Hồng Ngài – thôn giáp biên giới Trung Quốc – cũng là nơi có diện tích trồng thảo quả lớn nhất xã Y Tý.

18 km từ trung tâm xã Y Tý vào thôn Hồng Ngài chủ yếu là đường đá, xóc lộn ruột, nhưng người Mông ở Hồng Ngài vẫn xem đây là “con đường trong mơ” bởi năm 2012 trở về trước, muốn vào Hồng Ngài chỉ có đi bộ, người quen đường cũng mất cả 5 - 7 giờ đồng hồ.

Nằm trên độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, gần như quanh năm chìm trong mây mù, lạnh giá, nên đất Hồng Ngài đặc biệt thích hợp cho cây thảo quả sinh trưởng và phát triển. Tận dụng lợi thế này, hơn chục năm trở lại đây, người Mông ở Hồng Ngài đã tập trung phát triển cây thảo quả. Đến nay, diện tích thảo quả ở Hồng Ngài đã lên tới gần 150 héc-ta.

Ông Vàng A Dủa khoe với khách những bao thảo quả khô thơm lừng

Đón chúng tôi trong căn nhà gỗ lớn, vững chãi với những bao tải thảo quả xếp chồng lên tận mái nhà, tỏa mùi thơm ngào ngạt - ông Vàng A Dủa – nguyên trưởng thôn Hồng Ngài - cười hỉ hả: “Năm 2018, gia đình thu được gần 2 tấn thảo quả khô. Vẫn đang chờ ra tết thảo quả lên giá mới bán. Nhà này, mấy cái xe máy, máy xát, máy xay… đều từ thảo quả mà ra”.

Vui chuyện, ông Dủa kể: Trước đây, dân Hồng Ngài khổ lắm. Sống xa xôi, cách biệt, đất đai không nhiều, khí hậu thì khắc nghiệt. Hộ nào cũng đói ăn từ tháng 3 tới tháng 9, phải ăn độn củ nâu và ngô thường xuyên. Mấy năm nay, nhờ thảo quả được giá, nhiều hộ dân ở Hồng Ngài đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. “Nay thì cả thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, còn lại có của ăn của để hết rồi, có 4 gia đình đã mua được ô tô”.

Để chúng tôi được mắt thấy tai nghe, ông Dủa giới thiệu chúng tôi đến nhà ông Vàng A Chu – người trồng thảo quả từ năm 1990 và hiện có diện tích thảo quả nhiều nhất Hồng Ngài. Nhà ông Chu nằm ngay trên đầu dốc, nổi bật giữa các ngôi nhà gỗ trong thôn vì được xây 2 tầng kiên cố. Ông Chu nổi tiếng ở Hồng Ngài vì chịu khó và khéo chăm thảo quả. Nói về chuyện thoát nghèo từ cây thảo quả ở Hồng Ngài, ông Chu cho hay: Từ khi chưa có đường, chưa có điện, người Mông ở Hồng Ngài đã biết đem tiền bán thảo quả ra ngân hàng gửi. Giá thảo quả trước nay vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên lên – xuống thất thường, nhưng trồng thảo quả chỉ mất công chăm sóc chứ không phải đầu tư giống hay phân bón nên giá có thấp, bà con vẫn có một khoản thu hơn hẳn các loại cây, con khác.

“Có thảo quả, người Mông Hồng Ngài bớt khổ, sống khỏe hơn rồi. Tiền bán thảo quả đủ để cho con đi học xa, xây nhà, mua sắm đồ dùng. Nhờ trồng thảo quả, bà con không chặt phá rừng nữa. Giữ rừng để thảo quả còn có chỗ sống mà…” – ông Chu chia sẻ.

Không chỉ có lớp người đi trước như ông Dủa, ông Chu gắn bó với cây thảo quả, chàng trai Vàng A Sài mà chúng tôi có dịp trò chuyện cũng rất chí thú với loại cây trồng này. “Hồi bé em theo bố mẹ lên nương trồng thảo quả. Nay lấy vợ ra ở riêng, 2 vợ chồng cũng trồng thảo quả để phát triển kinh tế. Làm thảo quả không quá vất vả, lo nhất là thời tiết thôi. Vì sương muối kéo dài là thảo quả chết, lại phải 3 năm sau mới được thu hoạch. Tiếc nhất là có năm thảo quả lên tới 300.000 đồng/kg mà nhiều hộ không có bao nào để bán vì cả nương thảo quả đã chết vì sương muối”.

Câu chuyện quanh bếp lửa ở Hồng Ngài nói đi nói lại vẫn cứ xoay quanh cây thảo quả. Vui có, buồn có. Nhưng rõ ràng, khi chưa có một loại cây trồng nào thay thế tốt hơn thì thảo quả vẫn là cây cho thu nhập cao nhất; cây mang lại niềm tin thoát nghèo cho đồng bào nơi đây. Cũng nhờ ấm cái bụng, người Mông ở Hồng Ngài nay rất tích cực cho con tới trường, cùng nhau xây dựng thôn, bản.

Nếu có dịp lên với Hồng Ngài, đừng quên cầm về một ít trái thảo quả khô làm gia vị đặc biệt cho món ăn thêm ngon; để nhớ về vùng đất Hồng Ngài ướt sương nhưng ấm áp tình người.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Thương nhớ Nậm Kéng

Người giữ lửa nghề thủ công truyền thống

Trao 600 suất quà cho người nghèo Xín Mần trong chương trình “Xuân biên cương, ấm lòng dân bản”

Bàn giải pháp thoát “lõi nghèo” cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Đêm hội “Trăng thu biên cương” tại xã Mồ Sì San

Quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn đến người tiêu dùng Thủ đô

Lan tỏa mạnh mẽ “tuyệt kỹ” của đồng bào dân tộc thiểu số Mông trắng

Tinh xảo kỹ thuật thêu ghép vải trổ thủng của đồng bào dân tộc Hmong trắng

Xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Doanh nghiệp cần xác định rõ điểm mạnh, yếu

Tọa đàm: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ miền núi

Lan tỏa nghệ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ dân tộc Hmong hoa

Yên Bái: 66.200 lượt hộ nghèo địa phương đã thoát nghèo

Tuyên Quang: Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để giảm nghèo bền vững

Cần có Nghị quyết mới về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững

Cần nhiều hơn chính sách ưu tiên cho phát triển tiểu thủ công nghiệp

Cải thiện sinh kế, bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cargill khánh thành và bàn giao năm điểm trường mới tại khu vực miền núi phía Bắc

Khởi động dự án “Ngôi làng hy vọng” năm 2023 cho người dân tộc khó khăn tại Hòa Bình

Cao Bằng: Phát triển mô hình hợp tác xã giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

Chương trình “góp cây tạo sinh kế” hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số