Quảng Ninh: Phát triển kinh tế biển bám vào các trụ cột theo hướng bền vững Quảng Ninh 7 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI |
Dự án cầu Bến Rừng kết nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) được khởi công vào tháng 5/2022 và dự kiến khánh thành vào tháng 5/2024.
Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư. Tổng số vốn hơn 1.940 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách TP. Hải Phòng 835 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 5,5 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng phần cầu trên địa bàn Quảng Ninh).
Ngoài ra, phía Quảng Ninh đầu tư khoảng 360 tỷ đồng để làm tuyến đường nối lên cầu dài khoảng 2,3km ở địa phận thị xã Quảng Yên.
Theo dự kiến, dự án cầu Bến Rừng sẽ tổ chức thông xe kỹ thuật nhân dịp Kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/2024. Hiện nay, phần việc chính của phía Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành, nhưng phần đường nối phía địa phận Quảng Ninh vẫn chưa xong.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay dự án đường dẫn nối cầu Bến Rừng (thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh) vẫn đang ngổn ngang.
Cụ thể, tại công trường dự án đường dẫn này còn nhiều hạng mục dang dở chưa hoàn thành. Mặc dù đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn rất khó để thi công xong tại thời điểm ngày 13/5.
Đường dẫn vào cầu Bến Rừng bên phía Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện. (Ảnh: Thiên Tuấn) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Đuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị làm theo đúng quy định của pháp luật. Tiến độ của dự án được thực hiện đúng hồ sơ, hợp đồng với nhà thầu. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi dự án có thể xong trước ngày 13/5 hay không? Ông Đuyến đã không đưa ra câu trả lời.
Liên quan đến dự án đường nối cầu Bến Rừng, trước đó, trong lần kiểm tra hiện trường công trình vào tháng 4/2024, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh vai trò, tiến độ của dự án đối với kế hoạch phát triển của tỉnh để cùng với Hải Phòng hình thành hệ thống giao thông liền mạch. Đồng thời đề nghị các nhà thầu cần tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện, tăng ca, tăng kíp để thi công đồng loạt với mục tiêu cao nhất đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Tuy nhiên, do tác động của điều kiện khách quan, quá trình tổ chức thi công đường nối phía Quảng Ninh gặp một số khó khăn. Cụ thể, tuyến đều nằm trên nền đất yếu phải xử lý lún. Trong đó, có 1,1km nền đường đất yếu, phải thực hiện thay đất, có vị trí đất phải thay dày đến gần 6m, áp dụng cọc cát, bấc thấm, gia tải chờ lún.
Đặc biệt, thời tiết khu vực liên tục có mưa kéo dài, công tác tổ chức thi công mặt đường cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến thời gian thông xe có thể bị "lỡ hẹn".