Khi RCEP hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng trưởng |
RCEP - đối trọng với TPP?
RCEP là thỏa thuận thương mại lớn, bao gồm các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu thành công, RCEP với 16 thành viên sẽ là thỏa thuận tự do thương mại có tổng dân số lớn nhất (3,35 tỷ người), chiếm hơn 50% dân số thế giới, 27% GDP toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc được nhìn nhận là một trong nhân tố quan trọng thúc đẩy thương mại trong khu vực.
Trong 16 thành viên tham gia Hiệp định RCEP, 7 quốc gia thành viên: Australia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, Việt Nam và Brunei là những quốc gia tham gia đàm phán TPP. TPP đã được 12 nước thành viên ký kết tháng 2/2016, cũng chính là áp lực để RCEP nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Trong giai đoạn đầu tiên, RCEP sẽ loại bỏ thuế quan ngay lập tức cho 65% hàng hoá – chiếm khoảng từ 8.000 đến 9.000 mặt hàng, 20% hàng hoá thương mại tiếp theo sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm kể khi RCEP có hiệu lực. Thuế quan cụ thể đối với 15% hàng hóa thương mại còn lại sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai và đây chính là sản phẩm nhạy cảm đối với mỗi quốc gia.
“RCEP sẽ thảo luận để có thể cắt giảm thuế quan cho 100% hàng hoá thương mại hoặc cắt ngắn danh sách hàng hóa nhạy cảm hiện nay càng nhiều càng tốt. Thái Lan có thể nhận loại bỏ thuế quan cho 80% hàng hoá thương mại, nhiều hơn so với thỏa thuận trước đó”- Trưởng đoàn đàm phán Thái Lan nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng cho rằng, RCEP nên tự do hóa hơn thỏa thuận thương mại tự do ASEAN, bởi vì nếu ít tự do hóa hơn các FTA khác, RCEP sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với TPP.
“Nút thắt” Ấn Độ
Tại vòng đàm phán vừa diễn ra, một số thành viên RCEP cho rằng Ấn Độ chính là nguyên nhân dẫn đến bế tắc trong đàm phán bởi cách tiếp cận quá phòng thủ. 5 thành viên gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã thúc giục Ấn Độ cắt giảm thuế quan sâu hơn nữa đối với những sản phẩm chủ chốt hoặc rút khỏi đàm phán RCEP. Các nước này cáo buộc Ấn Độ đã tham gia đàm phán với cách tiếp cận nửa vời trong một số vấn đề quan trọng.
Ấn Độ đã đồng ý 80% mặt hàng sẽ được loại bỏ thuế quan cho khu vực ASEAN được phép tiếp cận thị trường, do có FTA ASEAN - Ấn Độ, trong khi chỉ đồng ý cắt giảm 65% thuế quan cho các nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì không có FTA với Australia, Trung Quốc và New Zealand nên Ấn Độ chỉ đề xuất loại bỏ 42,5% thuế quan nếu các nước này muốn tiếp cận thị trường Ấn Độ. Ấn Độ đã không giới thiệu bất kỳ tỷ lệ cắt giảm thuế nào đối với thép của Trung Quốc, Australia và New Zealand.
Dù vậy, cả Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn yêu cầu Ấn Độ mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, sữa và dịch vụ, bởi họ cho rằng mức thuế suất của Ấn Độ đưa ra vẫn là quá cao, khó tiếp cận thị trường, trong khi đây là những ngành công nghiệp trọng yếu của Ấn Độ. Hiện 3 quốc gia này vẫn đang tiếp tục yêu cầu quyền tiếp cận vào thị trường nông sản, nông nghiệp Ấn Độ.
Bắt đầu đàm phán từ tháng 5/2013, RCEP bao gồm 10 nền kinh tế của ASEAN và 6 đối tác thương mại: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. RCEP được xem là bước tiến mạnh mẽ của ASEAN, sau khi Cộng đồng chung ASEAN chính thức hình thành 31/12/2015. |