Thứ ba 26/11/2024 10:24

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác

Ngày 01/9/2022, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khánh thành giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới thành phố Móng Cái chỉ còn 3 giờ.

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính tri, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự sự kiện.

Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cáicó tổng chiều dài 80,23km với tổng vốn đầu tư của dự án trên 14.000 tỷ đồng được thi công thần tốc trong thời gian hơn 02 năm sau khi giải phóng mặt bằng xong. Dự án bao gồm 02 dự án độc lập, trong đó: tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư; tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 64km có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng các công trình phụ trợ là 490 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư là 8.623 tỷ đồng), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.

Riêng giải phóng mặt bằng được tính thành một dự án riêng với tổng kinh phí 1.455 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Với điểm đầu tại Km 96+00 nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối tại Km176+00, đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái), có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 25,25m và vận tốc thiết kế đạt 120km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012. Đây là vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Công trình được hoàn thành đã kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước chiếm gần 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km). Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 1 cửa khẩu Quốc tế.

Với việc rút ngắn thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long xuống một nửa, chỉ còn 01 giờ 30 phút (đi theo QL18 mất khoảng 03 giờ); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 03 giờ (trước đây mất 5,5 giờ), tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng bởi giá trị kết nối liên tỉnh, liên vùng và giao thương quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự lễ khánh thành

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc còn được trang bị hệ thống giao thông thông minh ITS trên toàn tuyến được đầu tư hiện đại ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống chiếu sáng được đầu tư mới kết nối với hệ thống chiếu sáng trên tuyến cao tốc hiện tại, tạo nên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, kéo dài từ cửa khẩu Móng Cái về tới cầu Bạch Đằng (Hải Phòng). Đây cũng là một trong số ít các tuyến đường cao tốc trên thế giới được đầu tư hệ thống chiếu sáng đồng bộ trên toàn tuyến.

Là trục giao thông xương sống của tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm trong tỉnh gồm: Thành phố Hạ Long, khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Đồng thời, đây cũng là tuyến đường duy nhất chạy dọc và kết nối xuyên suốt 08/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều, tuy đường cao tốc không trực tiếp đi qua, nhưng đường ven sông Đá Vách kết nối 2 địa phương với cao tốc này cũng rộng từ 8-10 làn xe. Việc kết nối các trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai tạo ra hiệu quả tổng hợp, phát triển toàn tiểu vùng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh cắt băng khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Về mặt giao thương quốc tế, việc kết nối các quốc gia ASEAN và các địa phương trong cả nước với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái - nơi thông thương với thị trường hơn 1 tỷ dân... Đây còn là tuyến cao tốc kết nối giữa hệ thống cảng hàng không, cảng biển, các khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh… trên toàn tỉnh Quảng Ninh, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại tham quan của khách du lịch theo đường bộ, thu hút nhà đầu tư đến Quảng Ninh.

Cao tốc cũng sẽ góp phần thu hút khách du lịch quốc tế, mở ra những cơ hội phát triển lớn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến 9 ý nghĩa quan trọng từ việc hoàn thành tuyến đường kết nối vùng có ý nghĩa quan trọng này đã góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển cơ sở hạ tầng; tạo động lực không gian phát triển vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng; thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư PPP; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới, mang lại đời sống hạnh phúc ấm no cho nhân dân; phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công; góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có liên quan; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Con đường cao tốc là con đường của khát vọng và niềm tin bởi đã phá thế độc đạo về giao thông của tỉnh Quảng Ninh. Giờ đây, Quảng Ninh có cao tốc, có đường ven biển, có sân bay.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khánh thành và đi vào hoạt động là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng, khi đây là địa phương duy nhất cả nước sở hữu tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất.

Đây cũng là mảnh ghép cuối cùng khẳng định khát vọng về trục giao thông xuyên suốt toàn tỉnh bằng cao tốc, cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng về 3 đột phá chiến lược, hợp tác công - tư (PPP) hiệu quả, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Minh chứng cho tinh thần vượt khó, ý chí vượt lên, tự lực, tự cường, tư duy đổi mới, khát vọng phát triển của Quảng Ninh nói chung, của các nhà đầu tư nói riêng.

Việc kiến tạo hành lang giao thông chất lượng, hiện đại gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị đã mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiến Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ thu ngân sách năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển

Quảng Ninh: Thu hút đầu tư thông minh, hướng tới phát triển kinh tế xanh

Sơn La có thêm 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu