Cao Bằng: Đưa kinh tế biên mậu trở thành mũi nhọn kinh tế
Thông quan hàng hóa từ 50 - 70 xe/ngày
Tỉnh Cao Bằng hiện có 3 cửa khẩu chính là Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu Trà Lĩnh và cửa khẩu Sóc Giang. Ngoài ra, Cao Bằng cũng có 3 cửa khẩu phụ gồm Pò Peo, Hạ Lạng và Lý Vạn cùng 3 lối mở biên giới là Nà Đoỏng, Nà Lạn, Bản Giốc. Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới tỉnh Cao Bằng chỉ diễn ra tại 3 cửa khẩu: Tà Lùng, Sóc Giang, Trà Lĩnh (lối mở Nà Đảng), các cửa khẩu, lối mở khác dừng hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay.
Ông Nông Văn Khương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết, từ ngày 8/1, phía Trung Quốc đã gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, là điều kiện thuận lợi để Cao Bằng thực hiện nội dung đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Lực lượng chức năng 2 bên cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng, Việt Nam) - Thủy Khẩu (Quảng Tây, Trung Quốc) trong ngày khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh (25/6) |
Lượng xe thông quan trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng mạnh khoảng 170% so với cùng kỳ năm 2022, với lượng xe trung bình từ 50 - 70 xe/ngày. Các mặt hàng xuất khẩu đã có sự đa dạng hơn về chủng loại và lượng do không phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ chính sách Zero-Covid, chủ yếu là nông sản: Mít, xoài, hạt sen, sắn thái lát, cây thạch, khoai lang tím, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chanh leo, sầu riêng, thủy sản. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 là 331,5 triệu USD, đạt 52% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng là nơi hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra sôi động nhất với lượng xe xuất, nhập trung bình từ 40 - 60 xe/ngày. Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Cao Bằng đã có lô khoai lang xuất khẩu đầu tiên qua cửa khẩu Tà Lùng; và từ tháng 6, Trung Quốc cũng đã có thông báo chỉ định cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu, Trà Lĩnh - Long Bang làm nơi nhập khẩu lương thực, hoa quả tươi giúp có thêm một số loại nông sản được doanh nghiệp lựa chọn cửa khẩu tại Cao Bằng để làm thủ tục thông quan.
“Từ ngày 25/6, cửa khẩu Tà Lùng trở thành cửa khẩu đầu tiên tại Cao Bằng nối lại hoạt động xuất, nhập cảnh. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng, lượng xe thông quan thời điểm trước và sau khi nối lại hoạt động xuất, nhập cảnh không có nhiều thay đổi nếu so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Sở Công Thương cho rằng đây vẫn là yếu tố quan trọng nhằm từng bước khôi phục và phát triển hoạt động kinh tế biên mậu của tỉnh Cao Bằng” - ông Nông Văn Khương nhận định.
Để hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn diễn ra thuận lợi, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, lãnh đạo Sở Công Thương Cao Bằng cho biết, Sở đã tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Kế hoạch thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó có nội dung tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, Sở Công Thương Cao Bằng đã ký 2 Thỏa thuận khung với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) về: Hợp tác thông quan tại cửa khẩu (năm 2022); Hợp tác tăng cường thuận lợi hóa thông quan trong tình hình mới (năm 2023).
Tháng 4/2023, lô khoai lang đầu tiên được xuất qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng |
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Cao Bằng cũng thường xuyên cập nhật tình hình vận chuyển, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đề có thông tin phục vụ công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ, giải pháp đối với hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chủ động, kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới những quy định pháp luật của hai bên liên quan đến hoạt động thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thông qua hình thức gửi văn bản, đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị các nội dung liên quan đến: Lệnh số 248, Lệnh số 249; chủ trương chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc triển khai áp dụng biện pháp “Quản lý điều tra khách hàng, thông tin nhân thân khách hàng và các thông tin giao dịch tại các đơn vị ngân hàng”; phương án giao nhận hàng hóa, thông báo tạm thời dừng và khôi phục hoạt động thông quan tại các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; những quy định mới về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc; hướng dẫn nội dung xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc...
Năm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu
Trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần triển khai có hiệu quả nội dung đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số giải pháp:
Một là, triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chỉ phi logistics; quản lý và kiểm soát nhập khẩu hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Cùng đó, thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp một số nội dung: Thông tin thị trường; xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài; chuyển đổi sản xuất, đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển thương hiệu.
Hai là, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng góp phần thúc đẩy đồng bộ cơ sở hạ tầng cửa khẩu.
Ba là, chỉ đạo thực hiện chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường sử dụng thủ tục hải quan điện tử và đẩy mạnh công tác hiện đại hóa hải quan theo kế hoạch của Chính phủ, thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng số, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu quản lý của Việt Nam.
Bốn là, triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy xuất, nhập khẩu chính ngạch, theo hợp đồng đối với thương mại biên giới gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận thương mại.
Năm là, tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu, đáp ứng các quy tắc nguồn gốc xuất xứ để tận dụng có hiệu quả các FTA đã ký kết gắn với nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận.