Tiềm năng chờ kết nối
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới vùng Đông Bắc, có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế và hợp tác đầu tư, đặc biệt trong phát triể kinh tế cửa khẩu.
Phát biểu tại cuôc họp báo của UBND tỉnh Cao Bằng diễn ra vào chiều ngày 6/11, ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Cao Bằng là tỉnh nằm xa các trung tâm kinh tế của Việt Nam nhưng với 1 cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cặp cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và nhiều cặp cửa khẩu phụ, đây lại là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại và dịch vụ, nhất là phát triển kinh tế biên mậu. Với lợi thế về địa lý cùng với những chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước nói chung cũng như Cao Bằng nói riêng, thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác phát triển, nhất là lĩnh vực xuât khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, một số loại trữ lượng khá lớn như quặng sắt, bauxit... ,là điều kiện để Cao Bằng phát triển công nghiệp chế biến và khai khoáng.
Ngoài ra, với 61% diện tích đất rừng, là điều kiện để địa phương phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến như: vùng trồng trúc sào, hồi, mía, chè; cây ăn quả như quýt, hạt dẻ, rau xanh; tập trung phát triển chăn nuôi bò U, lợn đen, trâu, dê...
Đáng chú ý, với 214 khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có 90 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh; 3 Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Pó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An; các địa điểm du lịch nổi tiếng: Thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, Chùa Phật tích Trúc Lâm, hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), Vườn Quốc gia Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình)... Đặc biệt, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng... là tiềm năng lớn cho địa phương nơi đây có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Ánh cũng thừa nhận, dù tiềm năng cho phát triển kinh tế xã hội rất lớn nhưng đến nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo; môi trường đầu tư kinh doanh xếp hạng thấp. Điều này luôn là trăn trở đặt ra cho những nhà lãnh đạo địa phương trong việc mạnh dạn tìm hướng phát triển thích hợp.
Cần sự đột phá
Việc UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức một loạt các sự kiện vào cuối tháng 11 này như: Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng sẽ diễn ra vào sáng ngày 25/11/2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc... cho thấy quyết tâm lớn của địa phương trong việc tạo cơ hội để Cao Bằng quảng bá, mở rộng thương hiệu của địa phương, tăng cường kết nối, xúc tiến, thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín, có tiềm năng vào tỉnh.
Được biết, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Cao Bằng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 thì đây là lần thứ 2 tỉnh Cao Bằng tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch lớn. Hội nghị sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là: sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế cửa khẩu và phát triển du lịch.
Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, với tiềm năng và thế mạnh của Cao Bằng về phát triển nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và du lịch, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh Cao Bằng là tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín trong và ngoài tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo đồng nhất về chất lượng gắn với quảng bá sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, khẳng định vị trí mũi nhọn, là động lực trong phát triển kinh tế của Cao Bằng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Thu hút đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch có tiềm năng của tỉnh, bảo vệ cảnh quan vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.