Từ những vụ “lùa gà”
Nhìn lại trong năm 2021, rất nhiều vụ “sập sàn” diễn ra, điển hình như vụ cá độ bóng đá phản tỉ số 0s (không giây) khiến hàng ngàn người tán gia bại sản. 0s là sàn cá độ bóng đá phản tỷ số từng quảng cáo lãi hơn 90%/ thắng, nếu thắng nhà đầu tư hưởng, nếu thua sàn sẽ bù lỗ. Ước tính số người tham gia lên đến hàng trăm nghìn người. Hay như vụ sập app Coolcat - sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn, nhiều người bỏ vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, nhưng sau đó mới tá hỏa vì ứng dụng Coolcat đột nhiên không thể truy cập. Những người đại diện của sàn cũng biến mất, không thể liên lạc.
Các app tín dụng đen trá hình lộng hành nhiều hơn vì nhu cầu vốn của người dân cũng tăng cao hơn (ảnh minh hoạ) |
Có những nạn nhân chia sẻ, vay ngân hàng là số lẻ. Nhiều người đã bán, thế chấp đất đai, vay tín dụng, app online, vay xã hội đen..., để tham gia các sân sàn. Nên khi đứng trước nguy cơ các chủ sàn ôm tiền bỏ chạy, các nhà đầu tư đều hoang mang.
Không chỉ những sân chơi trá hình có dấu hiệu lừa đảo kể trên, mà sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ rủi ro, nhất là với trái phiếu “3 Không”. Mới đây nhất là việc Bộ Tài chính xử phạt hai công ty vi phạm quy định về phát hành trái phiếu, bao gồm VsetGroup và Apec Group.
Theo Ủy ban Chứng khoán, hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. VsetGroup báo cáo đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu từ ngày 1-1-2020 đến 27-10-2021, với tổng giá trị hơn 208,6 tỉ đồng nhưng không cung cấp các hợp đồng đã ký theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Mặc dù Bộ và nhiều cơ quan ban ngành đã nhiều lần phát đi cảnh báo, nhà đầu tư phải tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm với các hoạt động của mình, nhưng dường như số người tham gia vẫn là quá lớn.
Bên cạnh đó, không ít người còn “vỡ mộng” khi đầu tư vào S.TIX Coffee, bị giam vốn hàng tỉ đồng. Cụ thể, S.TIX Coffee từng được cam kết lợi nhuận tối thiểu 26%/năm, nhưng sau khi nhiều nhà đầu tư đã góp vốn vào các quán và quầy cà phê mang đi của thương hiệu này, thì công ty ngừng chi trả như cam kết khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Sau thời gian ngưng chi trả như cam kết, đến ngày 8/11, S.TIX Coffee gửi Email đến nhà đầu tư, đính kèm thông báo bày tỏ, do thương hiệu non trẻ, "để khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực F&B đầy tính cạnh tranh khốc liệt", doanh nghiệp đã mở rộng chi nhánh, đổ tiền marketing, nên cho đến trước đại dịch, toàn bộ hệ thống vẫn hạch toán lỗ, chưa có lợi nhuận. Đại dịch đã khiến sức khỏe tài chính suy yếu hơn nên toàn bộ hệ thống S.TIX Coffee sẽ tạm dừng hoạt động. Từ 15/1/2022, công ty bắt đầu hoàn vốn cho những ai đã đồng ý ký vào bản thỏa thuận và gửi về công ty trước thời gian trên; thực hiện chi trả hằng tháng, kéo dài trong 3 năm.
Nhiều nhà đầu tư không đồng tình, đặt vấn đề tại sao trước kia S.TIX báo lãi đều, trấn an rằng kinh doanh cà phê mang đi không bị ảnh hưởng do dịch, nhưng nay lại lấy dịch để viện lý do. Theo thông báo trên, nếu nhà đầu tư không đồng ý ký thỏa thuận thì sẽ bị mất vốn và câu hỏi đặt ra là công ty lấy tiền ở đâu để trả khi ngưng kinh doanh?
Đến sa chân vào các app “tín dụng đen”
Có thể thấy, nhu cầu về tài chính luôn xuất hiện hằng ngày, đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự tác động của dịch COVID-19 là đáng kể. Rất nhiều người mong muốn làm giàu nhanh sau một đêm bằng cách đi vay nặng lãi để đầu tư, huy động vốn từ người thân, bạn bè,... Nhiều người sau khi trắng tay, vỡ nợ, không kế sinh nhai, không có tiền để trang trải đời sống... cũng phải tìm đến các kênh tín dụng để đáp ứng nhu cầu.
Trên không gian mạng, rất dễ dàng thấy được các dịch vụ cho vay tiền qua app nổi lên như: Fast Horse, Mo Credit, Ruby Vay, Denvay, City Credit, Cash Cow, You Dong, Vay Life, Happy Vay, VayHome, Online Vay, 30S có tiền, QuickVay, VIPDong, RoboCash... Các app quảng cáo rầm rộ đến các đối tượng đang cần tiền, với điều kiện vay đơn giản, chỉ cần có số điện thoại và thẻ căn cước công dân, có thể phê duyệt khoản vay nhanh, không cần gặp mặt...
Thực tế, mọi trường hợp cho vay bên ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, nếu có mức lãi suất vượt quá 20%/năm đều là bất hợp pháp. Dù vậy, người cho vay hiếm khi ghi nhận rõ ràng mức lãi suất thực tế, mà thường ẩn dưới cách thức khác nhau như: Giữ lại 1 phần tiền ngay từ khi cho vay, tính lãi nhập gốc, tính các loại phí ngoài lãi, như phí thẩm định khoản vay... Những người cần tiền sẽ sẵn sàng nhắm mắt đưa chân, cho đến khi tiền mất tật mang mới vỡ lẽ.
Đại diện Bộ Công an cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các app tín dụng đen vẫn tồn tại nhiều trên không gian mạng với các chiêu trò quảng cáo, dụ dỗ người dân như:
Thứ nhất, công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động chưa thực sự chặt chẽ, hoặc không có điều kiện để kiểm tra.
Thứ hai, nhu cầu của một bộ phận lớn người dân, những người có nhu cầu về những khoản tiền mà không thể tiếp cận các kênh tín dụng chính thống, để trang trải cuộc sống (những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên).
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đủ sức để phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Vì vậy, giải pháp then chốt cho việc triệt phá nạn tín dụng đen là cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động tín dụng vi mô, thông qua các công ty Fintech, tín dụng đen cần được giải quyết bằng quy luật kinh tế, bằng cung cầu, cần đáp ứng được nhu cầu vay của người dân. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; từ đó lập chuyên án tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê...
Bên cạnh các biện pháp mạnh từ phía ngành công an, cơ quan quản lý Nhà nước, điều quan trọng nữa là cần nâng cao nhận thức người dân và phổ biến quy định pháp luật liên quan đến thị trường tài chính và tín dụng, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn, thủ đoạn liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở và các ngành liên quan trong quản lý cấp phép kinh doanh cho các loại hình dịch vụ mà “tín dụng đen” núp bóng. Đặc biệt, tuyên truyền, cảnh tỉnh người dân biết về những hệ quả của “tín dụng đen” mang tới.